(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, "khoảng lặng" này là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
Thanh lọc thị trường
Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, dịch Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, gây giảm sút hiệu quả kinh doanh của ngành Du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Bất động sản nhà ở cũng đình trệ do mọi kế hoạch mở bán đều bị hủy bỏ. Tuy vậy, thời điểm khó khăn này cũng được coi là quá trình thanh lọc. Nhà đầu tư sẽ lựa chọn các dự án của chủ đầu tư uy tín, dự án có pháp lý, dự án có tiềm năng về kinh doanh... Việc thanh lọc làm sụt giảm lượng giao dịch, nhưng về lâu dài, lượng giao dịch sẽ phục hồi vì lực cầu còn rất tốt và thị trường sẽ chỉ còn những dự án chất lượng. “Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì nguồn cung vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Nếu hết quý III-2020, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì nhiều khả năng đến quý IV-2020 thị trường bất động sản sẽ chứng kiến sự sôi động trở lại”, ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, nhìn nhận một cách tích cực thì giai đoạn này chính là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. “Về mặt tích cực, đây xem như một cuộc sàng lọc giúp thị trường nhà đất trở nên khỏe mạnh, giữ lại những doanh nghiệp có đủ thực lực”, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Trần Minh Hoàng nhận định, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải có những biện pháp để thích nghi, làm quen với thị trường bằng việc đưa ra những phương thức mới trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm như: Sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, kinh doanh trực tuyến. Ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc đầu tư, phát triển dự án, tiếp thị, phân phối sản phẩm, tìm mua, thuê dự án phù hợp… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng buộc phải cắt giảm chi phí, cơ cấu lại tài chính để có thể tìm được cơ hội mới sau khi hết dịch.
Tái cơ cấu để phát triển
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đề ra giải pháp nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết, lãnh đạo công ty đã đưa ra ba nhóm giải pháp nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp gồm: Tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc tài chính. Trong đó, công ty áp dụng hệ thống tác nghiệp trực tuyến để phối hợp làm việc giữa các phòng ban cũng như công trường; nâng cao năng lực tài chính và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn CEO (CEO Group) Đoàn Văn Bình cho hay, đơn vị đã nhấn chế độ “tạm nghỉ”, đồng thời thực hiện cấu trúc lại hệ thống, cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, thiết lập danh mục công việc ưu tiên. Trong khi tạm hoãn các kế hoạch mở bán bất động sản, CEO Group vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo trì công trình, duy trì vận hành các khu nghỉ dưỡng do tập đoàn xây dựng... “Tất cả sự chuẩn bị này nhằm để hết dịch, CEO Group có thể sẵn sàng bật dậy về đích trong năm 2020, 2021 và xa hơn nữa”, ông Đoàn Văn Bình chia sẻ.
Nhanh nhạy chuyển đổi, không ít doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội trong thách thức, điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes - VHIZ (công ty con của Công ty cổ phần Vinhomes). Doanh nghiệp này vừa thực hiện tăng vốn điều lệ đăng ký từ 70 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng; đồng thời thay đổi ngành nghề kinh doanh chính từ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sang kinh doanh bất động sản. Theo đó, VHIZ đảm nhiệm vai trò đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp của Vinhomes và Tập đoàn Vingroup nhằm đón xu hướng tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trước tình hình khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho biết: Bộ đang nghiên cứu đề xuất bổ sung thêm vốn cho phát triển nhà ở xã hội, giống như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trước đây. Bởi hiện tại, nguồn vốn dành cho nhà ở xã hội theo các quy định pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển loại hình nhà ở này. Khi nhà ở xã hội phát triển sẽ thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng, nhân công, nội thất và kéo theo nhiều ngành nghề liên quan khác.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có bất động sản. Bộ Xây dựng cũng đang tập hợp ý kiến nhà đầu tư, chuyên gia, các hiệp hội để đề xuất giải pháp hỗ trợ riêng cho bất động sản. Tuy nhiên, đây cũng là "khoảng lặng" để doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc tổ chức, cơ cấu sản phẩm để đón cơ hội sau khi dịch bệnh lắng xuống thay vì chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ.