Xét năng lực chủ đầu tư, rà soát thực trạng dự án... là những bước kiểm tra quan trọng khi chọn mua một căn nhà hình thành trong tương lai.
Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN, Nguyễn Văn Lộc cùng Giám đốc Công ty Luật Thịnh Việt Trí, Lương Ngọc Đinh và chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong vừa đồng xuất bản ấn phẩm bất động sản "Bên mua cần biết luật lệ gì". Cẩm nang này hướng dẫn cụ thể 6 bước phòng tránh rủi ro cho người mua khi đầu tư bất động sản hình thành trong tương lai.
Bước 1: Kiểm tra năng lực chủ đầu tư
Trước khi rót tiền vào dự án đang xây dựng (còn rất lâu mới hoàn thành), nhà đầu tư cần phải đặt ra các câu hỏi: chủ đầu tư có năng lực bất động sản tốt không, đã được chấp thuận, được phép huy động vốn hay chưa. Cơ sở nào đảm bảo chủ đầu tư triển khai dự án đến khi hoàn tất (có cam kết, giải trình tài chính khi xin chấp thuận đầu tư dự án) cũng cần được tìm hiểu kỹ.
Bước 2: Rà soát thực trạng dự án
Bước kế tiếp người mua nhà hình thành trong tương lai cần làm là yêu cầu cung cấp thông tin dự án đã được cấp phép xây dựng hay chưa hoặc tại thời điểm mở bán, dự án đã hoàn tất xây dựng phần móng chưa.
Bước 3: Từ khóa thế chấp bảo lãnh ngân hàng
Dù tậu nhà cửa bằng nguồn vốn tự có hay đi vay, người mua bất động sản hình thành trong tương lai đều có quyền yêu cầu bên bán giải trình dự án có được bảo lãnh ngân hàng theo luật nhà ở hay không. Việc bảo lãnh này thường có 2 loại, nên lưu ý bảo lãnh toàn công trình hay bảo lãnh riêng lẻ từng căn hộ. Ngoài ra, việc dự án có đang thế chấp hay không là điều cực kỳ quan trọng. Cần lưu ý việc thế chấp tại một hay nhiều ngân hàng để tránh tình trạng vay chồng chéo.
Bước 4: Rà soát điều khoản hợp đồng
Bản thảo hợp đồng là hợp đồng chuyển nhượng hay một hình thức khác đều có dụng ý riêng của bên bán và là một thách đố nữa đối với bên mua. Nhà đầu tư trước khi đặt bút ký cần rà soát điều khoản hợp đồng về chất lượng công trình được quy định ra sao, có đảm bảo đúng như khi giới thiệu dự án không. Cách xác định các khoản phí, chi phí phát sinh (hiện tại và tương lai) như thế nào. Có quy định chi tiết về cách tính diện tich căn hộ (bao gồm các tiêu chí đo đạc) và cam kết về lối đi chung không?
Bước 5: Bám sát lộ trình bàn giao nhà
Nhà đầu tư cần làm rõ tình huống nếu nhà được bàn giao trễ hơn so với cam kết trong hợp đồng thì chủ đầu tư có phương án giải quyết không, cách giải quyết như thế nào? Nếu căn hộ được bàn giao không đúng mẫu (thiết kế bản vẽ, nhà mẫu) so với cam kết thì phương án giải quyết cụ thể ra sao?
Bước 6: Quản lý rủi ro không được nhận nhà
Bên mua đừng bao giờ quên đọc kỹ các trường hợp bất khả kháng nào chủ đầu tư không thể thực hiện hợp đồng (tức là không thực hiện dự án hoặc không bàn giao). Các phương án nào của chủ đầu tư khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, có xung đột hoặc những vấn đề phát sinh mà không thực hiện đúng hợp đồng. Đây là bước chốt chặn cuối cùng trong chuỗi 6 bước kiểm tra pháp lý nhưng thường bị nhà đầu tư mất cảnh giác và bỏ qua.
Chuyên gia Nguyễn Tấn Phong cho biết, nếu rà soát pháp lý chặt chẽ đúng 6 bước trên khi mua nhà hình thành trong tương lai thì gần như quy trình giao dịch an toàn đã được thực hiện, người mua có thể an tâm về suất đầu tư bạc tỷ.
Song trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng cùng lúc trả lời, giải trình đầy đủ được tất cả các câu hỏi của người mua mà cần thời gian hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của dự án. Trong trường hợp này nhà đầu tư có thể đặt ra thời hạn cho doanh nghiệp hoàn thiện pháp lý.
Người ưa mạo hiểm có thể mua nhà đang xây khi pháp lý chưa hoàn chỉnh với giá mềm hơn so với thị trường và kỳ vọng mọi việc suông sẻ, biên lợi nhuận khá cao. Những người thích việc mua bán an toàn sẽ chọn thời điểm pháp lý hoàn thiện mới xuống tiền, tuy nhiên có thể lúc này giá bất động sản đã tăng lên, biên lợi nhuận cũng ít hơn.
Cách phòng chống rủi ro phổ biến nhất vẫn là xếp thứ tự mức độ quan trọng của 6 bước rà soát này và ưu tiên những gì quan trọng trước. Các danh mục ít quan trọng hơn có thể yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, sau đó có thể tiến hành giao dịch.
(VN Express)