Theo TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội hiện nay là chưa cần thiết, để chống ùn tắc cần phải có lộ trình…
Thu phí thời điểm này là sớm
Câu chuyện về ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… luôn là điều nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia, dư luận trong nước.
Mới đây, sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo dự toán đề án thu phí phương tiện cơ giới và một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào. Trong đó, sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án thu phí phương tiện cơ giới, chủ yếu là ô tô vào một số khu vực nội đô.
Xoay quanh đề án thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội còn rất nhiều ý kiến trái chiều, để rộng đường dư luận PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến phân tích từ các chuyên gia giao thông.
TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho rằng việc thu phí nội đô ở Hà Nội và TP.HCM hơi sớm.
"Số lượng ô tô tại Việt Nam chưa là gì so với các nước trên thế giới. Bắc Kinh (Trung Quốc) có 7 triệu xe, Tokyo (Nhật Bản) cũng 7-8 triệu xe mà Hà Nội và TP.HCM mới có khoảng 50-60 vạn xe ô tô mà hạn chế thì sớm, đồng thời cũng liên quan đến túi tiền của người dân, đời sống của dân còn thấp, khó khăn", TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nói.
Nghe audio: Chuyên gia phân tích nguyên nhân giao thông Hà Nội ùn tắc
TS. Nguyễn Xuân Thuỷ phân tích: "Để hạn chế phương tiện cá nhân, kể cả xe máy thì hạ tầng giao thông công cộng cần phát triển hơn. Hiện nay chúng ta mới có 1.000- 2.000 xe buýt, chưa có tàu điện ngầm, các loại phương tiện khác cũng chưa có. Nên, phương tiện công cộng còn quá yếu kém chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do vậy chưa thể hạn chế người dân dùng phương tiện cá nhân".
Theo TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, việc thu phí ô tô vào nội đô để giải quyết bài toán ùn tắc ở thời điểm này là không cần thiết.
"Việc hạn chế như vậy cần có lộ trình, ít nhất phải 5 năm nữa chứ không thể làm ngày một ngày hai. Bên cạnh đó, việc thu phí cũng rất phức tạp, phải sử dụng công nghệ cao, áp dụng thu phí không dừng là đúng nhưng điều này cũng không đơn giản, phải cần có một quá trình vận động dài vì không phải ai cũng dùng tài khoản ngân hàng.
Lộ trình thể nào, làm trạm ra sao, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến vấn đề rối loạn giao thông, tăng thêm ùn tắc", TS. Nguyễn Xuân Thuỷ phân tích.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cho rằng, đề xuất thu phí phương tiện (ô tô) đi vào nội đô Hà Nội là đề án thiếu khả thi.
“Trước tiên, muốn thu được phí các phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc Hà Nội phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí, nhưng ùn tắc giao thông ít khi xuất hiện cả ngày, chỉ ùn tắc trong một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều đường đi vào nội đô thì mỗi một đường lại làm một trạm thu phí như vậy là không ổn.
Hơn nữa, việc Hà Nội ùn tắc đâu phải chỉ do lỗi của người dân mà có cả lỗi của đơn vị quy hoạch, quản lý. Cụ thể, ở Hà Nội có nhiều đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư, tắc đường là chuyện hiển nhiên", ông Đức đưa ra góc nhìn khác.
Thu phí chỉ là giải pháp tạm thời
Trước đó, cũng trao đổi với PV, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho hay: “Phương tiện đi vào nội đô của Hà Nội là một vấn đề hết sức nan giải của TP.Hà Nội. Hiện nay, mật độ giao thông của Hà Nội rất lớn, nếu không giải quyết cái căn cơ, cốt lõi thì rất khó”.
Nói về đề án thu phí phương tiện vào nội đô, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho biết: “Việc thu phí phương tiện vào nội đô chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi, người lái xe sẽ chấp nhận trả tiền phí để đi xe vào Thủ đô Hà Nội, vì còn người thân, bạn bè, các mối quan hệ công việc ở Thủ đô, nên không thể nói thu phí là xe sẽ không vào nội đô, có công có việc thì buộc người dân vẫn phải vào”.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, Hà Nội cần phải có giải trình rõ về việc tại sao thu phí vào nội đô? Phí thu được sẽ dùng vào việc gì?
“Cần phải tham khảo cả trên thế giới họ thực hiện thế nào, đánh giá tác động cụ thể thì mới làm được”, ông Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Thanh Lam - Nguyễn Lâm