Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư gần 20.000 tỷ đồng xây dựng giai đoạn 1 đoạn Vành đai 3 đi qua Tp.HCM.
Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 97,7km, kết nối liên vùng Tp.HCM với Đồng Nai, Long An, Bình Dương đã được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, đường Vành đai 3 có bốn đoạn. Đoạn 1: Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã được duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với giai đoạn 1 được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc và theo hình thức PPP. Đoạn 2: Tân Vạn, Bình Chuẩn (Bình Dương) đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đưa vào khai thác sử dụng. Chỉ còn đoạn 3: Bình Chuẩn - quốc lộ 22 (Tp.HCM) và đoạn 4: Quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) chưa được đầu tư xây dựng.
Trong đó, giai đoạn 1 đoạn Vành đai 3 Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức (qua Tp.HCM, Bình Dương, Long An) đầu tư mặt đường rộng 24,5m cho bốn làn xe lưu thông với tốc độ 100 km/giờ; giai đoạn 2 làm đường cao tốc rộng 67-74,5m cho 6-8 làn xe lưu thông với tốc độ 100 km/giờ và làm đường song hành ở hai bên với cấp đường đô thị cho xe lưu thông với tốc độ 60 km/giờ.
Lộ trình xây dựng cụ thể: Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trong năm 2019. Từ năm 2019 đến năm 2022, thực hiện thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng; đồng thời, tiến hành sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2022 đến năm 2024, tiến hành thi công và năm 2025 hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau năm 2025 sẽ hoàn thiện dự án trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.
Về nguồn vốn, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất triển khai đầu tư đoạn tuyến này theo hình thức đối tác công tư (PPP, xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Bộ Giao thông Vận tải cho hay, theo kết quả tính toán của tư vấn, dự án Vành đai 3 có khả năng thu hồi vốn khi được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT có hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm.
Các nguồn vốn hiện nay tham gia dự án có thể kể đến là sử dụng nguồn vốn không hoàn lại của chính phủ Úc khoảng 6 triệu USD (khoảng 136 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cam kết tài trợ 629 triệu USD. Ngoài ra, ngân hàng này cũng có thể tài trợ bằng việc nâng giá trị khoản vay đáp ứng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án.
Về vốn giải phóng mặt bằng, Bộ kiến nghị Tp.HCM ứng trước vốn ngân sách khoảng gần 3.000 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng trong năm 2020-2021. Trong thời gian từ năm 2021-2025, ngân sách trung ương sẽ hoàn trả số tiền này. Đối với 2 tỉnh Bình Dương và Long An, Bình Dương kiến nghị ngân sách trung ương bố trí hơn 2.000 tỷ đồng, Long An là 639 tỷ đồng do ngân sách tỉnh không đủ.
(Nhịp sống kinh tế)