Sau khi câu chuyện một du khách Nhật bản phải trả 2,9 triệu đồng cho một chuyến đi xích lô tại TP.HCM, các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ.
Sáng 5/8, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Về thông tin một du khách người Nhật bị chặt chém 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô, chúng tôi chưa nhận được trình báo hay đề nghị hỗ trợ điều tra của các cơ quan khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã cử cán bộ để xác minh, làm rõ vụ việc”.
Trong khi đó, đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật bản tại TP.HCM cũng khẳng định với PV, chưa có công dân Nhật bản nào trình báo với cơ quan này về sự việc được đề cập.
Mới đây, thông tin trên báo chí và mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện du khách Oki Toshiyuki (83 tuổi, người Nhật Bản) phải trả 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút ở TP.HCM.
Theo đó, ông Oki cùng con dâu cả và 2 cháu nội đến TP.HCM trong thời gian gần đây để du lịch và người thân. Đây là lần thứ 5 cụ đến VN kể từ khi con trai út lập gia đình và chọn TP.HCM làm quê hương thứ hai cách đây hơn 10 năm.
Ông Oki đã lưu trú tại một khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1).
Theo lời người nay, khoảng 6h ngày 3/8, ông ra khỏi khách sạn, đi dạo chơi loanh quanh thì được một người chạy xích lô chào mời. Khi đi xích lô từ chợ Bến Thành về khách sạn thì ông Oki có ý định sẽ gửi người đạp xe là 500.000 đồng. Tuy nhiên, người chạy xích lô chỉ thả ông Oki gần khách sạn.
Khi ông Oki rút bóp lấy tờ 500.000 đồng thì anh này tỏ ý đòi thêm. Cụ cũng đồng ý nhưng chưa kịp lấy thêm tiền thì người chạy xích lô thò tay vào bóp lấy hết 5 tờ 500.000 và 2 tờ 200.000 rồi bỏ đi. Câu chuyện đang gây bức xúc trong dư luận vì hành vi “chặt chém” khách du lịch của người đạp xe xích lô tại TP.HCM.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Sự việc này có các dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, không cần che giấu, được thực hiện trước mặt bị hại và những người khác. Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…). Mặt khác, việc thực hiện hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường, không nhanh chóng như đối với tội cướp giật tài sản”.
“Trong trường hợp này, tôi cho rằng, cần xử lý tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” của người khác. Còn nếu dùng vũ lực uy hiếp phải giao tiền thì đó là tội “Cướp tài sản” với tính chất hình sự”, luật sư Nghiêm cho hay.