(HNMO) - Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), để đo các chỉ số AQI được thống kê theo mức độ nguy hiểm với sức khỏe con người cần phải có hệ thống quan trắc để đo cụ thể tại cả 13 điểm của Hà Nội. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí diễn ra tại một số điểm và tại những thời điểm khác nhau.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, liên tục nhiều ngày, có thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội ở mức kém và tại thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng sương mù quang hóa gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này là bởi giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.
Theo Bộ TN-MT, tại Hà Nội, trong thời gian từ ngày 12-9 đến 29-9, chất lượng không khí liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO2, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (trong đó có 11 trạm của thành phố Hà Nội và 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ), đo được trong khoảng thời gian từ ngày 12-9 đến 29-9, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ 12 đến 17-9, sau đó giảm từ ngày 18 đến 22-9 và tăng cao trở lại, duy trì trong các ngày từ 23 đến 29-9.
Đánh giá nguyên nhân của hiện tượng này, Bộ TN-MT cho biết, vấn đề ô nhiễm tại các đô thị này xuất phát từ khói bụi của các phương tiện giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ, phần khác là do hiện tượng nghịch nhiệt (là hiện tượng không khí lạnh từ phía Bắc xuống tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới), lượng mưa trong tháng 9 năm nay thấp nhất trong các năm từ 2013 đến 2019, không mưa liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21 đến 30 tháng 9) nên càng làm cho nồng độ bụi trong không khí cao đột biến trong thời gian này.
Theo Bộ TN-MT, để đo các chỉ số AQI được thống kê theo mức độ nguy hiểm với sức khỏe con người cần phải có hệ thống quan trắc để đo cụ thể tại cả 13 điểm của Hà Nội. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí diễn ra tại một số điểm và tại những thời điểm khác nhau.
Trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ đo chất lượng không khí những ngày qua đã cung cấp thông tin có độ tin cậy tương đương với các trạm của Việt Nam là trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu nhưng thông số này chỉ đo tại thời điểm từ 0h-6h sáng. Để có đánh giá đầy đủ các chỉ số khác và chất lượng không khí một cách tổng thể cần phải được kiểm định một cách đầy đủ ở tất cả các trạm với sự phân tích, sàng lọc đúng kỹ thuật. Thông tin ô nhiễm cần được các cơ quan chức năng, địa phương công bố chính thức sau khi đã có kết quả phân tích, đánh giá chính xác và khoa học.
Theo biểu đồ về diễn biến nồng độ trung bình năm của PM2.5 tại trạm Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội giai đoạn 2016-2018: So sánh nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013-2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng của năm 2019 có xu hướng giảm. Riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.
Bộ TN-MT khuyến cáo, trong khoảng thời gian này, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ngày nắng mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể còn tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là buổi đêm và sáng sớm. Do đó, người dân đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh về hô hấp nên hạn chế ra ngoài đường, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kinh che mắt. Khi không khí bị ô nhiễm ở ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì cơ quan có thẩm quyền phải công bố và có hướng dẫn, cảnh báo cho người dân và có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Để tránh nhiều luồng thông tin không chuẩn xác gây tâm lý hoang mang, người dân cần nghe theo sự cảnh báo của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đặc biệt, người dân không nên căn cứ vào các loại thiết bị đo nồng độ ô nhiễm được bán trên thị trường để xác định tình trạng ô nhiễm không khí bởi các loại thiết bị này không cho kết quả tin cậy.