Đà Nẵng: Mỗi ngày thu gom 1000 tấn rác thải
Câu chuyện ô nhiễm và bài toàn rác thải tại Đà Nẵng nhiều năm nay đã khiến chính quyền đau đầu tìm phương án giải quyết.
Nhiều năm qua, nhằm xây dựng mục tiêu thành phố môi trường, Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp để thu gom rác thải, xử lý những điểm nóng ô nhiễm kéo dài.
Tuy nhiên, tại nhiều khu dân cư, bãi biển, tình trạng rác thải nhựa, túi nilon...vứt bỏ khắp nơi gây nhiễm môi trường vẫn tái diễn.
Theo đó, đáng chú ý là điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Thọ Quang được xem là cảng cá lớn nhất miền Trung, nơi neo đậu tàu thuyền số lượng lớn. Được biết, bình quân mỗi ngày, hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào neo đậu, những ngày mưa bão lên hơn cả ngàn phương tiện.
Kéo theo đó là hàng nghìn lao động, người buôn bán, dịch vụ nghề cá hoạt động tại đây.
Chính nguồn thải từ Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang, từ chợ cá và phương tiện đánh bắt đã biến âu thuyền Thọ Quang thành nơi chứa rác thải.
Tại đây có đa dạng các loại chai nhựa, túi ni lông, thùng xốp, hộp đựng thức ăn, cả những ngư cụ hỏng... đều xả bừa bãi xuống âu thuyền.
Nhiều loại rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước ở cảng cá Thọ Quang (Ảnh: Zing.vn)
-> Nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm tại cảng cá lớn nhất miền Trung
Người dân sống gần âu thuyền Thọ Quang cho hay, nhiều năm nay họ đã sống chung với cảnh ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Được biết, mỗi ngày, thành phố Đà Nẵng thu gom khoảng 1000 tấn rác thải, trong đó 8% đến 10% là túi ni lông và chai nhựa.
Các loại chai nhựa có thể thu gom phân loại để tái chế còn lại túi ni lông chủ yếu chôn lấp, khó phân hủy.
Nói về tình trạng ô nhiễm hiện nay, ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường và Đô thị Đà Nẵng cho biết, nhiều năm nay, chính quyền thành phố nghiêm cấm người dân, du khách đem thức ăn xuống bãi biển, từ đó hạn chế túi ni lông, chai nhựa xả tràn ra bãi biển.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, hầu hết nguồn thải từ nước mưa đều xả ra biển, sông hoặc ao hồ. Cứ sau mỗi trận mưa, một lượng lớn rác thải theo đường cống thoát tràn ra bờ biển. Thế nên mỗi lần mưa lớn là biển lại ngập rác thải.
Trước tình trạng này, hai năm qua, thành phố Đà Nẵng cũng triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nhà ở 2 phường Thuận Phước và Thạch Thang, quận Hải Châu.
Theo đó, tại mỗi tổ dân phố, khu dân cư đều được đặt thùng xe rác di động thu gom vỏ chai nhựa, lon bia, bìa giấy sách báo... để bán phế liệu gây quỹ từ thiện.
Cách làm này góp phần giảm gánh nặng xử lý rác thải. Nhưng đáng lo ngại nhát hiện nay là tình trạng ô nhiễm túi ni lông.
Để hạn chế ô nhiễm “trắng", theo ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường và Đô thị Đà Nẵng thì các cơ sở sản xuất ra vỏ chai, túi nilông, hộp xốp đựng thức ăn phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Cống xả thải ra biển mang theo rác ni lông, hộp nhựa (Ảnh: VOV)
Nói về điều này, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom xử lý rác thải; triển khai nhanh Dự án xử lý chất thải rắn.
Hiện nay, công tác thu gom chỉ mới duy nhất công ty môi trường đô thị tham gia chưa thể xã hội hóa trong thu gom. Đây là điểm yếu của Đà Nẵng trong thời gian vừa qua. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom.
-> Đà Nẵng yêu cầu xử lý ô nhiễm các cửa xả thải tại các bãi tắm