(HNM) - Ngày 25-2, truyền thông Ai Cập xác nhận cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã qua đời ở tuổi 91 sau thời gian dài nằm viện. Với 30 năm cầm quyền liên tục, trải qua 5 nhiệm kỳ, ông H.Mubarak là nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất tại xứ sở Kim tự tháp và đồng thời cũng là tâm điểm của sự chỉ trích trong thời gian tại nhiệm.
Cựu Tổng thống H.Mubarak tên đầy đủ là Muhammad Hosni Sayyid Mubarak, sinh ngày 4-5-1928 tại một ngôi làng nhỏ gần thủ đô Cairo. Giống như những người tiền nhiệm, ông có thời gian dài phục vụ trong quân đội sau khi gia nhập không quân vào năm 1949. Trải qua nhiều nỗ lực, ông nhanh chóng thăng tiến và trở thành Tư lệnh Không quân Ai Cập vào năm 1972.
Ông H.Mubarak là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh Arab - Israel (cuộc chiến Yom Kippur) năm 1973 và đã tháp tùng Tổng thống Anwar Sadat ký Hiệp định đình chiến với Israel năm 1978 tại trại David (Mỹ), trước khi được lựa chọn vào vị trí Phó Tổng thống vào năm 1975. Năm 1981, ông bất ngờ trở thành Tổng thống thứ tư của Ai Cập sau khi người tiền nhiệm A.Sadat bị ám sát ngay tại một cuộc diễu binh ở thủ đô Cairo.
Vào thời điểm đó, việc lựa chọn ông H.Mubarak chỉ là một giải pháp tình thế. Không ai có thể hình dung được rằng nhà lãnh đạo này sẽ trở thành một nhân vật nắm giữ quyền lực tuyệt đối và có thời gian tại nhiệm dài kỷ lục. Dưới thời Tổng thống H.Mubarak, Ai Cập trở thành một đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi và nhận được hàng tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm từ Washington. Mặc dù vậy, 3 thập niên cầm quyền của nhà lãnh đạo này tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arab lại bị bao phủ bởi những cáo buộc tham nhũng, thất nghiệp, đàn áp chính trị và tình trạng trì trệ về kinh tế.
Xuất phát từ tình trạng này, các cuộc biểu tình lớn kêu gọi Tổng thống từ chức nổ ra ở thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác trên khắp cả nước. Sau cuộc nổi dậy tháng 1-2011 ở Tunisia dẫn đến làn sóng Mùa xuân Arab tại Ai Cập và nhiều nước Trung Đông - Bắc Phi, ông H.Mubarak phải chuyển giao quyền lực cho một hội đồng quân sự vào tháng 2-2011. Sau đó, nhà lãnh đạo này vướng vào vòng lao lý với hàng loạt cáo buộc tham nhũng, lạm quyền, sát hại người biểu tình... Tháng 8-2011, ông H.Mubarak bị đưa ra xét xử tại Cairo vì đã không ngăn chặn được việc khoảng 900 người biểu tình chống chính phủ bị sát hại trong cuộc nổi dậy.
Ông bị kết tội vào năm 2012 và bị tuyên án tù chung thân, song đến năm 2015 được tòa phúc thẩm xét xử lại. Năm 2017, cựu Tổng thống H.Mubarak đã trải qua phiên tòa cuối cùng và được phóng thích sau khi tòa tuyên trắng án. Phán quyết này được cho là không đủ nghiêm khắc và đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình khi hàng ngàn người đổ vào trung tâm thủ đô Cairo để thể hiện sự bất bình với tòa án. Trong những năm tháng cuối đời, ông H.Mubarak thường xuyên phải nằm viện do bệnh nặng và qua đời khi đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện quân đội ở Cairo sau một ca phẫu thuật vào ngày 23-1.