(HNMO) - Trong động thái được mô tả là mang tính lịch sử, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua đạo luật “quyền sửa chữa” nhằm thúc đẩy các công ty công nghệ tạo ra những sản phẩm có tuổi thọ cao, đồng thời tái chế hoặc sửa chữa dễ dàng.
Với 395 phiếu thuận, 94 phiếu chống, đạo luật mới do Ủy ban thị trường nội địa và bảo vệ người tiêu dùng châu Âu đề xuất yêu cầu các nhà sản xuất phải dán nhãn bắt buộc trên các sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại, máy tính xách tay… bán ra trên khắp lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2021. Trên các nhãn này phải ghi rõ những thông tin về tuổi thọ ước tính, độ khó trong việc sửa chữa… của sản phẩm. Các sản phẩm bán ra cũng phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể về độ bền, tốc độ lỗi thời, tuân thủ một quy chuẩn thống nhất trên toàn Lục địa già.
Thời gian tới, các nước châu Âu sẽ soạn thảo khung đánh giá mức độ khó sửa chữa, dựa trên thang điểm 10. Trong đó, Pháp được kỳ vọng sẽ là quốc gia tiên phong áp dụng khung này, dự kiến ngay từ tháng 1-2021. Điểm số của mỗi sản phẩm sẽ được đưa ra dựa trên các tiêu chí như: Độ khó trong việc tháo lắp, giá và khả năng tiếp cận linh kiện thay thế, khả năng tiếp cận các tài liệu hướng dẫn sửa chữa, khả năng cập nhật phần mềm… Những sản phẩm dễ sửa chữa nhất sẽ được trọn 10 điểm.
Động thái mới của EP hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước việc các nhà sản xuất thời gian qua thường xuyên tung ra những sản phẩm có kết cấu gần như không thể sửa chữa. Một điển hình là việc hàn hoặc dùng keo dán các bộ phận linh kiện, khiến việc tháo dỡ để khắc phục lỗi trở nên bất khả thi. Nói cách khác, khi những sản phẩm nhóm này phát sinh trục trặc, người tiêu dùng chỉ có cách thay mới.
Trong khi đó, giá sửa chữa “chính hãng” cũng rất đắt đỏ. Apple từng bị chỉ trích nặng nề khi áp dụng chi phí sửa lỗi loa thông minh HomePod Mini lên tới 79 USD, trong khi giá mua một chiếc mới chỉ 99 USD. Còn với iPhone 12, việc sửa chữa máy ảnh gần như bất khả thi đối với các trung tâm kỹ thuật không chính hãng, bởi việc can thiệp vào bộ phận này đòi hỏi sự cho phép của ứng dụng quản lý hệ thống độc quyền do Apple quản lý.
Đạo luật mới cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Kết quả khảo sát gần đây do EU tiến hành cho thấy, có tới 77% công dân Lục địa già muốn sửa chữa thiết bị của mình hơn là thay thế mới. Bên cạnh đó, cũng có tới 79% cho rằng các nhà sản xuất phải có nghĩa vụ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa chữa các thiết bị kỹ thuật số hoặc thay thế các bộ phận riêng lẻ của họ.
Đạo luật mới của châu Âu cũng được xem là động thái góp phần bảo vệ môi trường, khi người dùng không cần thải hồi thiết bị điện tử có hỏng hóc nhẹ, mà có thể sửa chữa, thay thế linh kiện (đặc biệt là pin) một cách dễ dàng, qua đó kéo dài thời gian sử dụng.