Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tokyo đã theo dõi sự tăng trưởng lúa gạo tại các mảnh cánh đồng lúa dùng để thí nghiệm trên khắp Nhật Bản và Trung Quốc.
Một hệ thống đường ống đã cung cấp các mức CO2 khác nhau cho cây lúa. Bên cạnh đó các cảm biến gió và máy dò khí giúp các nhà khoa học đảm bảo mỗi cây lúa được tiếp xúc với lượng CO2 chính xác.
Các nhà khoa học đã phân tích các mẫu gạo từ các cây lúa thử nghiệm, đo lượng sắt, kẽm, protein và vitamin B1, B2, B5 và B9 tìm thấy trong mỗi mẫu.
Dữ liệu của họ đã cho thấy một mối quan hệ nghịch đảo giữa nồng độ CO2 và chất lượng dinh dưỡng. Mức độ CO2 càng cao, lượng vitamin và khoáng chất càng thấp.
Nếu lượng CO2 tăng đúng như tính toán thì tới giữa thế kỷ, dân số của 18 quốc gia trên thế giới sẽ mất hơn 5% lượng protein cần thiết trong thực đơn hàng ngày (ảnh: VnExpress)
Các nhà nghiên cứu đã công bố những phát hiện trong tạp chí Science Advances
Theo nghiên cứu này, nếu lượng CO2 tăng đúng như tính toán thì tới giữa thế kỷ, dân số của 18 quốc gia trên thế giới sẽ mất hơn 5% lượng protein cần thiết trong thực đơn hàng ngày do lượng protein trong gạo và các lương thực thiết yếu giảm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất sẽ là châu Phi hạ Sahara và khu vực Nam Á, nơi gạo và lúa mì là những loại lương thực không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày.
Các phương án khắc phục được đề xuất gồm cắt giảm CO2, đa dạng hóa chế độ ăn hàng ngày, tăng hàm lượng dinh dưỡng của các loại lương thực thiết yếu hoặc trồng các loại cây lương thực ít chịu sự tác động của CO2.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với hàm lượng protein trong các loại lương thực.
Các tác giả cho biết họ vẫn chưa lý giải được vì sao lượng khí thải CO2 lại có thể làm giảm hàm lượng protein hay các thành phần dinh dưỡng khác của các loại lương thực, nhưng hiện tượng này có thể để lại những hậu quả nguy hiểm trên toàn cầu bởi không có protein, quá trình phát triển thể chất sẽ bị ức chế, bệnh tật nhiều hơn và tuổi thọ sẽ giảm đi.
Giả thiết thuyết phục nhất cho tới nay là CO2 khiến lượng tinh bột trong các loại lương thực tăng nên giảm hàm lượng protein và các chất dinh dưỡng.