Chương trình này là một phần quan trọng trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Khoản tài trợ trên được cung cấp thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) nhằm giúp các nhà khai thác dầu và khí đốt tự nhiên nhỏ tiếp cận, phát triển các công nghệ nhằm phát hiện và giảm lượng khí thải methane.
Chương trình sẽ được dành cho các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, các bộ lạc bản địa cũng như chính quyền các tiểu bang và địa phương.
Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) Michael Regan, những khoản đầu tư trên sẽ thúc đẩy việc triển khai các công nghệ tiên tiến và sẵn có nhằm tăng hiệu quả giám sát các nguồn phát thải khí methane, giảm ô nhiễm độc hại, ứng phó với khủng hoảng khí hậu và tạo việc làm với mức lương cao.
Chương trình trên được chính phủ triển khai trong bối cảnh một số nhà khai thác dầu khí nhỏ độc lập của Mỹ phản đối mạnh mẽ các tiêu chuẩn và mức phí mới được áp dụng đối với khí methane của EPA, với lý do điều này sẽ tạo gánh nặng tài chính lên các giếng khai thác có sản lượng thấp.
Sản xuất dầu khí là nguồn tạo ra khoảng hơn 30% lượng khí thải methane ở Mỹ và là một trong những trọng tâm của chính quyền Tổng thống Biden trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mỹ nằm trong số hơn 100 quốc gia đã cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào năm 2030, so với mức của năm 2020.
Một báo cáo năm 2022 cho thấy các giếng dầu và khí đốt có sản lượng thấp chỉ chiếm 6% tổng sản lượng khai thác của Mỹ, nhưng chiếm 50% lượng khí methane thải ra từ tất cả các giếng khai thác của nước này.
Nguồn bnews.vn
Link bài gốchttps://bnews.vn/bien-doi-khi-hau-nha-trang-ho-tro-cac-nha-san-xuat-dau-khi-nho/338208.html