PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Khắc phục các vấn đề đạo đức là hình thành các nguyên tắc cơ bản để xây dựng niềm tin vào hệ thống AI
Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong y tế
Trí tuệ nhân tạo (AI) cứu mạng sống bằng cách giúp các bác sĩ xử lý những điểm bất thường trong hình ảnh chụp X quang. AI cải thiện năng suất trong việc ghi chú lâm sàng, cho phép bác sĩ phòng cấp cứu khám thêm 15% bệnh nhân. AI đẩy nhanh việc phát hiện ra thuốc kháng sinh dành cho siêu vi khuẩn, giảm bớt các quá trình có thể mất nhiều năm đến vài tuần. Từ năm 1995 đến tháng 5/2024, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã xóa hơn 880 thuật toán y tế trí tuệ nhân tạo (AI); 151 thiết bị y tế hỗ trợ AI đã được thêm vào danh sách thiết bị được FDA phê duyệt…
Đây là một số thành tựu trong y khoa được TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông tin tại tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế" do Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn số liệu của CB Insights cho thấy, đầu tư toàn cầu vào AI trong lĩnh vực y tế thời gian qua "tăng khủng khiếp", từ 2,7 tỷ USD năm 2018 lên 12,2 tỷ USD năm 2021. Năm 2024, thị trường AI trong lĩnh vực y tế được định giá ở mức 20,9 tỷ USD.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh cho biết các lĩnh vực y tế thường được áp dụng AI là: Trợ lý y tế, phân tích dự đoán, phân tích hình ảnh y tế, nhập bằng giọng nói, trợ lý ảo…
Tuy nhiên, công nghệ này cũng tiềm ẩn một loạt rủi ro về đạo đức, như: Thiếu minh chứng về mức độ hiệu quả và an toàn; có thể tăng nguy cơ gây hại cho sức khỏe bệnh nhân; suy giảm tính chính xác khi được đưa vào thực hành lâm sàng; trách nhiệm đối với những quyết định sai lầm; duy trì mối liên hệ đồng cảm (cảm xúc) với bệnh nhân; tính bảo mật của thông tin y tế…
Chính vì vậy, "khắc phục các vấn đề đạo đức là hình thành các nguyên tắc cơ bản để xây dựng niềm tin vào hệ thống AI", PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh cũng nêu ra 6 nguyên tắc đạo đức của Tổ chức Y tế thế giới về ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế. Đó là, sự toàn diện và công bằng; tính minh bạch, dễ giải thích và dễ hiểu; bảo vệ quyền tự chủ của con người; khả năng đáp ứng nhanh và bền vững; trách nhiệm và trách nhiệm giải trình; công nghệ AI không được gây hại cho con người.
Không gây hại cho con người - trọng điểm đặc thù ứng dụng AI có trách nhiệm trong y tế
Nghiên cứu về tuyên bố chung của một số quốc gia về AI có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế, TS. Nguyễn Thị Phương Châm gợi ý một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Phương pháp tiếp cận hướng tới AI có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế là kết hợp 4 tham số so sánh: chính sách, chiến lược, hướng dẫn, nguyên tắc và khung pháp lý áp dụng AI chung cho đa ngành; chính sách, chiến lược, hướng dẫn, nguyên tắc và khung pháp lý dành riêng cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; các công cụ không ràng buộc; các công cụ pháp lý ràng buộc.
Kim chỉ nam là khẳng định sự phù hợp với các nguyên tắc được khuyến nghị của WHO về việc sử dụng AI có đạo đức trong chăm sóc sức khỏe. Các hướng dẫn cụ thể về AI tập trung vào chăm sóc sức khỏe hầu hết được đề xuất bởi cơ quan quản lý chăm sóc sức khỏe trong chính phủ, chẳng hạn như FDA (Hoa Kỳ), Bộ Y tế Canada (Canada), MHRA (Anh), Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ…
Từ đặc thù lĩnh vực y tế, tập trung các thiết bị y tế đang ứng dụng AI, đặc biệt là các chương trình: Xây dựng hướng dẫn để kiểm tra những điều kiện bảo đảm không gây hại cho con người. Đây là trọng điểm đặc thù hướng tới phát triển, ứng dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, luôn dõi theo sự phát triển của công nghệ, ứng dụng trên thực tế để xây dựng chiến lược và hành động kịp thời (nhìn từ xu hướng đối thoại trực tiếp với sự ra đời của LLM - Chat GPT)...
Tại tọa đàm, các chuyên gia khẳng định, y tế là lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của AI và tương lai của AI trong y tế rất lớn, nhất là trong điều trị. Thế nhưng, dù phát triển mạnh mẽ hay thông minh đến đâu, thì AI hay các công cụ khác chỉ hỗ trợ chứ không thể thay thế các bác sĩ trong quá trình đưa ra quyết định lâm sàng, cũng không làm thay công việc của bác sĩ.
Tại Việt Nam, Luật Khám, chữa bệnh cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh.
Việc ứng dụng AI sẽ giảm bớt áp lực cho các bác sĩ, khiến họ trở nên thông minh hơn, hỗ trợ mục tiêu tối thượng của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt hơn và tăng cường chất lượng điều trị.
Để thúc đẩy AI có trách nhiệm ở Việt Nam, việc điều chỉnh bằng pháp luật là chưa đủ và khó theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này. Do vậy, cần xây dựng các bộ nguyên tắc đạo đức về AI và hướng dẫn thực hiện, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam.
Đây cũng là một nội dung trong Công văn số 4232/VPCP-KSTT về việc xây dựng thể chế quản lý AI tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy tắc đạo đức về AI, khung quản trị về AI...
Phương Liên
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/xay-dung-niem-tin-vao-ai-co-trach-nhiem-trong-linh-vuc-y-te-102240622081540749.htm