Moitruong.net.vn
– Tình trạng thoái hóa đất, săn bắt động vật hoang dã, thâm canh và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nhiều căn bệnh truyền từ động vật sang người như COVID-19.
Mới đây, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo tình trạng thoái hóa đất, săn bắt động vật hoang dã, thâm canh và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nhiều căn bệnh truyền từ động vật sang người như COVID-19.
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn thế giới được bắt đầu chỉ với một loại virus đơn giản ở động vật. Các virus có thể nhảy từ động vật sang người như thế này được gọi là virus zoonotic. Chúng chiếm tới 75% các loại bệnh mới nổi mà hiện con người đang phải vật lộn để chữa trị và là một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhà dịch tễ học Christine Kreuder Johnson chia sẻ với TheVerge rằng, một động vật hoang dã ở bất kỳ đâu xa xôi trên thế giới này cũng có thể mang theo một loại virus chết người có thể đe dọa sức khỏe nhân loại. Cô đang nghiên cứu cách mà virus ở động vật lây lan sang người, hiện cô cũng là phó giám đốc của One Health Institute – viện sức khỏe trực thuộc Đại học California (Mỹ). Trong đó, “One Health ” là một khuôn mẫu đại diện cho tư duy về cách mà sức khỏe của con người, động vật và môi trường có sự liên kết chung với nhau.
Johnson cũng là tác giả chính của một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng động vật được thuần hóa, cùng với động vật hoang dã (ví dụ như dơi và các động vật gặm nhấm) thích nghi với con người – những kẻ đã xâm lấn môi trường sống của chúng, trong đó chúng chịu trách nhiệm cho phần lớn các virus gây bệnh cho con người đã được biết đến hiện nay. Có những bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của con người đối với động vật có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của chính chúng ta.
Đây không phải là đại dịch đầu tiên bị lây từ động vật sang người. Trước đó, thế giới từng ghi nhận dịch Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), bệnh sốt Tây sông Nile, Zika, Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) và sốt thung lũng Rift cũng được cho là virus đã nhảy từ vật chủ sang người.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hàng năm trên toàn cầu có khoảng 1 tỉ ca bệnh truyền nhiễm, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, trong đó bệnh có nguồn gốc động vật chiếm khoảng 60%.
Trong khi dịch Covid-19 chưa đi qua thì mới đây, chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc ngày 7/7 lại đưa ra báo cáo cảnh báo rằng Covid-19 chỉ là một ví dụ cho thấy xu hướng ngày càng có nhiều bệnh lây từ động vật, đồng thời cảnh báo về “đại dịch tiếp theo” và đưa ra các khuyến cáo quan trọng.
Báo cáo được thực hiện với sự phối hợp của Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI – trụ sở tại Kenya) cho rằng các bệnh như Covid-19 xuất phát từ nhu cầu cao của con người về protein động vật, thực hành nông nghiệp thiếu bền vững và biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo, các bệnh lây từ động vật sẽ còn xuất hiện nếu con người không tăng cường nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã và môi trường. Sự thờ ơ đối với các bệnh này khiến 2 triệu người tử vong hằng năm, trong khi kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại đến 9.000 tỉ USD trong 2 năm vì Covid-19.
Ảnh minh họa
Các bệnh như Ebola, sốt tây sông Nile (WNV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) đều là các bệnh không phải lây từ động vật một cách tự nhiên, mà do môi trường xuống cấp như đất đai bạc màu, khai thác động vật hoang dã, tài nguyên và biến đổi khí hậu. Các yếu tố này thay đổi sự tương tác giữa động vật và con người.
“Trong thế kỷ qua, chúng ta chứng kiến ít nhất 5 dịch bệnh bùng phát vì các chủng virus Corona mới. Trong 2 thập niên qua và trước khi có Covid-19, các bệnh lây từ động vật đã gây thiệt hại kinh tế lên đến 100 tỉ USD”, theo bà Inger Andersen, giám đốc điều hành chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc.
Chuyên gia này phân tích rằng việc tiêu thụ thịt tăng 260% trong 50 năm qua, bên cạnh việc tăng cường hoạt động nông nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên.
“Các đập, hệ thống tưới tiêu và các nhà máy nông sản có liên quan đến 25% bệnh truyền nhiễm ở người. Việc đi lại, vận tải và chuỗi cung ứng thực phẩm đã xóa mờ các khoảng cách và biên giới. Biến đổi khí hậu góp thêm vào việc lây lan các mầm bệnh”, theo bà Andersen.
Báo cáo khuyến nghị các nước nên có chiến lược ngăn chặn những dịch bệnh như Covid-19 bằng cách tăng cường quản lý đất bền vững, cải thiện đa dạng sinh học và đầu tư và nghiên cứu khoa học.
Sự gia tăng dân số và khai thác tận diệt hiện nay cũng góp phần hủy hoại môi trường sống của các động vật hoang dã. Chúng bị dồn đến đường cùng và buộc phải di chuyển, làm tăng thêm khả năng lây lan dịch bệnh sang quần thể đông đúc của con người. Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu rủi ro của một đại dịch khác ở quy mô Covid-19 như hiện tại khi chúng ta ngừng hoặc giảm thiểu việc săn bắn và buôn bán động vật hoang dã, cùng với các hoạt động phá hủy môi trường sống của chúng như phá rừng hay san lấp ao hồ hoặc thay đổi dòng chảy của các con sông…
Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2 tỉ người lên 9,7 tỉ người vào giữa thế kỷ này. Báo cáo mới cũng lưu ý nhiều khu vực và quốc gia còn chần chừ tuyên bố dịch bệnh vì lo sợ gây thiệt hại thương mại.
Diệu Ái (t/h)