Dự báo của Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2020, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ đạt khoảng từ 18 đến 19 triệu tấn/năm, trong đó, hàng container đạt khoảng 0,66-0,71 triệu TEU/năm. Đến năm 2025, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt từ 29 đến 33 triệu tấn/năm, trong đó lượng hàng container đạt từ 1,30-1,51 triệu TEU/năm. Và đến năm 2030, lượng hàng hóa sẽ tăng lên mức từ 45 đến 52 triệu tấn/năm, trong đó hàng container đạt từ 2,27-2,65 triệu TEU/năm. Trên thực tế, những năm qua, vận tải giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao.
Tiềm năng giao thông thủy và phát triển cảng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất lớn. (Ảnh: K.V)
Theo đó, năm 2010, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy ở tỉnh này chỉ ở mức hơn 9 nghìn tấn, đến nay đã đạt hơn 1,4 triệu tấn. Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy ở Đồng Nai tăng trung bình khoảng 5,6%/năm.
Từ những lợi thế trên, từ năm 2017, trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển hệ thống cảng khu vực này, trong đó có tỉnh Đồng Nai, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có 44 cảng trên 4 sông lớn gồm sông Đồng Nai, Nhà Bè, Long Tàu và Thị Vải.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 21 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, với số cảng trên, Đồng Nai chưa đạt được 1/2 tổng số cảng đã được quy hoạch. Trong số 21 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 cảng có quy mô trên 100 ha gồm Cảng nhà máy luyện phôi thép Sunsteel (huyện Nhơn Trạch có diện tích hơn 139 ha) và Cảng Vedan (huyện Long Thành có diện tích 120 ha kể cả nhà máy). Trong khi đó, số cảng có quy mô trên 40 ha chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, phần lớn các cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiện nay đều có quy mô nhỏ, dưới 30 ha…
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, Tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát lại quy hoạch cảng và cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại. Việc xem xét, rà soát lại hệ thống cảng cũng nhằm chỉnh đốn lại tình trạng phát triển manh mún hiện nay. Cụ thể Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ xem xét, loại bỏ những nhà đầu tư thiếu năng lực, dự án hết thời hiệu không triển khai được cũng phải loại bỏ, thay thế. Đồng thời, tính toán nhu cầu thực tế của từng địa phương để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phù hợp với chiến lược phát triển và định hướng lâu dài.
Được biết, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Do đó nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này là rất lớn. Đây chính là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hệ thống cảng Đồng Nai. Theo tính toán, chỉ riêng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch cũng đã là thị trường rất lớn cho các cảng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh này còn có những vùng hấp dẫn trong hoạt động vận tải thủy do tập trung nhiều khu công nghiệp như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, Trảng Bom…
Bên cạnh lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, việc Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó, Đồng Nai là nơi có rất nhiều đường giao thông lớn đi qua như cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20, đường sắt Bắc – Nam. Chính vì vậy, trong quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm logistics của vùng.
Tỉnh Đồng Nai cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20% đến 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10% đến 15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%./..