Xử phạt hơn 1 tỷ đồng 2 nhà máy thép gây ô nhiễm ở Đà Nẵng
Phó chủ tịch TP Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tại Cụm công nghiệp Thành Vinh mở rộng (xã Hòa Liên, Hòa Vang).
Hai nhà máy thép bị phạt hơn 1 tỉ, đình chỉ hoạt động 6 tháng. (Ảnh: Tài nguyên & Môi trường)
-> Hải Phòng xử phạt trên 4,3 tỷ đồng vi phạm về tài nguyên và môi trường
Công ty cổ phần thép Dana Ý bị phạt 400 triệu đồng, liên quan đến dự án đầu tư dây chuyền luyện thép 200.000 tấn/năm và dây chuyền cán thép 200.000 tấn/năm.
Trong đó, công ty đã thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (70 triệu đồng); không có giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (300 triệu đồng); không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại (30 triệu đồng).
Công ty cổ phần thép Dana Úc bị xử phạt 740 triệu đồng, liên quan đến dự án đầu tư nhà máy thép Xuân Hưng. Ngoài ba hành vi và mức phạt tương tự sai phạm của Dana Ý, công ty này còn bị phạt 340 triệu đồng vì không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
UBND TP Đà Nẵng đã đình chỉ hoạt động hai nhà máy thép trong 6 tháng, yêu cầu hoàn tất việc khắc phục ô nhiễm môi trường; xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện công trình bảo vệ môi trường...
Chính quyền thành phố cho biết, đã căn cứ vào kết quả xác minh và các tài liệu có trong hồ sơ để xử phạt. Nếu hai doanh nghiệp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Phía công ty cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định xử phạt theo quy định pháp luật.
Trước đó, những ngày đầu tháng 10, hàng chục hộ dân sống cạnh 2 Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy. Theo các hộ dân, đã hết thời hạn tạm ngưng hoạt động 2 nhà máy nhưng bản thân các hộ dân chưa ngã ngũ câu chuyện “chọn thép hay chọn dân”. Đi không được, ở không xong, các hộ dân lâm cảnh bất an, lo ngại môi trường…
Người dân Đà Nẵng dựng lán trại yêu cầu nhà máy dừng hoạt động vì ô nhiễm. (Ảnh: Vnexpress)
Đây không phải lần đầu các hộ dân kéo đến bao vây 2 nhà máy thép để phản đối hoạt động. Ngay từ đầu năm 2018, hàng trăm người dân liên tục kéo đến bao vây 2 nhà máy thép yêu cầu ngừng hoạt động vì cho rằng 2 nhà máy này làm ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Được biết, từ năm 2006, TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tuy nhiên, vì các khu công nghiệp thu hút được ít nhà đầu tư nên thành phố đã điều chỉnh quy hoạch, dừng mở rộng KCN Hòa Khánh và không thực hiện di dời người dân tại khu vực này nữa. Lâu dần, từ 150 hộ dân ban đầu đã phát sinh thành 1200 hộ dân. Hồ sơ di dời, chi phí đền bù vượt quá chi phí ban đầu của thành phố.
Đầu năm 2017, các hộ dân rất bức xúc và phản ứng gay gắt do việc thành phố “treo” di dời hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi phải sống cạnh cụm công nghiệp. Để khắc phục thiếu sót trong quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Vinh, UBND TP. Nẵng quyết định phải di dời nhà dân theo các thông báo số 197/TB-UBND ngày 29/12/2016, Thông báo số 05-TB-UBND ngày 22/02/2017, Công văn số 730/VP-QLĐTư ngày 13/3/2017. Các thông báo này đều có nội dung cụ thể “thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 02 nhà máy…”.
Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư vẫn tiếp tục ì ạch, chậm tiến độ, không thông suốt khến người dân vô cùng bức xúc và bao vây hai nhà máy thép của Công ty Dana - Ý và Công ty Dana - Úc nhằm áp lực chính quyền thành phố và buộc di dời 2 nhà máy.
-> Xả thải ra môi trường, Đà Nẵng xử phạt 9 DN du lịch 725 triệu đồng
Video: Bắt quả tang công ty xả thải trực tiếp ra môi trường (Nguồn: QTV)