Ung thư bàng quang rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Phương pháp chẩn đoán tốt nhất hiện nay là một thủ tục xâm lấn được gọi là nội soi bàng quang. Các chuyên gia đang tích cực cố gắng tìm ra các phương pháp tiết kiệm hơn dựa trên phân tích các chỉ dấu sinh học trong nước tiểu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào đủ chính xác.
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) trực thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã tìm ra một chỉ dấu sinh học phù hợp. Họ nhận thấy rằng nhiều trường hợp ung thư bàng quang đi kèm với đột biến gien sao chép ngược telomase (telomerase reverse transcriptase -TERT). Đột biến TERT có thể được phát hiện trong các mẫu nước tiểu, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ liệu chúng có thể được sử dụng như một công cụ chẩn đoán sớm hay không.
Để tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của một công trình nghiên cứu sức khỏe dài hạn, được tiến hành ở tỉnh Golestan của Iran năm 2004 và bao quát hơn 50.000 người. Khi bắt đầu dự án, một ngân hàng mẫu sinh học đã được tạo ra, bao gồm mẫu các nước tiểu và máu.
Trong quá trình nghiên cứu, 38 người bị ung thư bàng quang và 46,7% số người này có đột biến gien TERT. Hơn nữa, không ai trong số 125 tình nguyện viên không bị ung thư ở nhóm đối chứng có đột biến gien đó.
Các nhà nghiên cứu cho rằng họ sẽ phải kiểm tra thêm một chỉ dấu sinh học tiềm năng, dù vẫn đặt hy vọng vào chỉ dấu đột biến gien TERT. Nếu thành công, các bác sĩ sẽ có một xét nghiệm đơn giản và không tốn kém để phát hiện sớm ung thư bàng quang.
Vũ Trung Hương