Thông qua các hoạt động tuyên truyền, thay đổi thói quen tiêu dùng và khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện, thành phố hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Theo thống kê, mỗi năm toàn tỉnh Hà Tĩnh thải ra khoảng 270.000 tấn rác thải các loại, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 17.000 tấn. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 750 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 45 tấn/ngày. Ô nhiễm rác thải nhựa không chỉ đe dọa môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Thực trạng này cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần là không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn cũng đã triển khai nhiều cách làm để chống rác thải nhựa, tuy nhiên cũng không duy trì được lâu.
Trước tình trạng trên, với tầm nhìn chiến lược và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, phân loại tại nguồn, tăng cường tái chế, xử lý các điểm nóng…, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang trên hành trình xây dựng đô thị không rác thải nhựa, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Sau 3 năm triển khai hợp phần đô thị giảm nhựa, TP Hà Tĩnh đã hoàn thành 6/8 mục tiêu theo khung kế hoạch hành động đã đề ra.
Mô hình chợ dân sinh giảm rác thải nhựa tại Hà Tĩnh.
Trước đó, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã được phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là bộ Nông nghiệp và Môi trường), do Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện từ năm 2020 – 2025. Dự án được triển khai trên 10 khu vực thuộc 9 tỉnh/thành phố, bao gồm: 7 thành phố/quận (huyện): A Lưới, Đà Nẵng, Đồng Hới, Hà Tĩnh, Long An, Rạch Giá, Tuy Hòa và 3 khu bảo tồn biển: Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc. Dự án nhằm góp phần giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển;
Đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học môi trường biển; nâng cao kiến thức của cộng đồng, xã hội về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường, sức khỏe; nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải, rác thải nhựa đại dương. Dự án có 3 hợp phần: truyền thông và giáo dục; chính sách quản lý và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và đô thị giảm nhựa.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Tĩnh cho biết, Hội đã tích cực phối hợp với BQL dự án, các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, hoạt động; trong đó, tập trung cao nhất cho công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, từ đó thúc đẩy thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. Tại TP Hà Tĩnh, dự án thực hiện hợp phần đô thị giảm nhựa.
Trên cơ sở cam kết với WWF, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch số 129/KH – UBND ngày 16/8/2022 về quản lý rác thải nhựa (RTN) trên địa bàn, giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Qua 3 năm thực hiện, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, dự án có nhiều kết quả nổi bật. Hoạt động tuyên truyền về RTN được thực hiện đa dạng, nhiều hình thức và thông qua nhiều nhóm đối tượng. Thành phố cũng xây dựng 12 hoạt động, mô hình quản lý, giám RTN, điển hình như: xóa điểm nóng môi trường tại chợ Đỏ (phường Đồng Môn);
Xây dựng mô hình trường học không RTN, 50 trường học xây dựng nội quy quản lý chất thải rắn sinh hoạt; triển khai 60 mô hình phân loại rác tại hộ gia đình; mô hình phân loại, thu hồi vật liệu tái chế; thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV…Đại diện Ban Quản lý dự án hợp phần đô thị giảm nhựa (WWF) chia sẻ, trong giai đoạn tới, hy vọng rằng các hoạt động, mô hình về giảm RTN ở thành phố sẽ tiếp tục được nhân rộng để phát huy sâu rộng hơn hiệu quả dự án.
Các điểm thu gom rác thải nhựa được TP.Hà Tĩnh đẩy mạnh thực hiện. (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, ự án phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình “Trường học không rác nhựa” tại 6 trường học, kết hợp tập huấn, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong bài giảng và tổ chức ngoại khóa. Gần 2.000 học sinh, 180 giáo viên được trực tiếp tham gia, bước đầu thay đổi hành vi tiêu dùng, hình thành thói quen phân loại và giảm nhựa ngay từ thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội như Hội LHPN, Thành đoàn và Hội Nông dân thành phố đóng vai trò nòng cốt trong triển khai nhiều mô hình sáng tạo như: “Ngôi nhà xanh tiết kiệm sinh thái”, “Phân loại và ủ phân compost tại hộ gia đình”, “Ứng dụng vi sinh bản địa IMO”, “Chợ giảm túi nilon”, “Sân chơi tái chế”, “Hội thi truyền thông rác nhựa”…
Trong sản xuất nông nghiệp, công tác quản lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được triển khai bài bản và đạt kết quả rõ rệt. Hệ thống gồm 105 bể chứa nhỏ và 7 bể tập trung, cùng trang thiết bị hỗ trợ, đã được Dự án bàn giao. Mô hình vận hành hiệu quả với vai trò nòng cốt của Hội Nông dân các cấp trong việc thu gom từ đồng ruộng về điểm tập kết. Nhờ đó, nhận thức của nông dân được nâng cao, tình trạng xả thải bừa bãi giảm đáng kể, và lượng bao bì thu gom đạt 1.300 - 1.500 kg/năm, được xử lý đúng quy định bằng ngân sách thành phố.
Đến nay, TP Hà Tĩnh đã hoàn thành 6/8 mục tiêu theo khung kế hoạch hành động đã đề ra, 2 mục tiêu còn lại là: giảm 50% RTN chưa được quản lý có nguy cơ thất thoát ra biển; 90% các chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn khả năng sẽ hoàn thành trong năm 2025. Thời gian tới, TP Hà Tĩnh sẽ phối hợp với BQL dự án thực hiện hoàn thành các mục tiêu còn lại theo kế hoạch; tiếp tục tuyên truyền, thực hiện về cam kết 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần;
Tuyên truyền, phấn đấu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, chợ dân sinh, cơ sở kinh doanh ăn uống không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy; thí điểm thực hiện triển khai việc học sinh bọc sách vở bằng các loại giấy, bìa không làm từ chất liệu nhựa; duy trì xóa các điểm “nóng” rác thải; nhân rộng các mô hình quản lý RTN, ứng dụng số hóa dữ liệu, phần mềm quản lý rác thải sinh hoạt…
Hướng đến mục tiêu trở thành đô thị xanh, TP. Hà Tĩnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu RTN, từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng đến thay đổi hành vi tiêu dùng. Những hành động thiết thực này không chỉ góp phần cải thiện môi trường sống mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển bền vững của thành phố. Với sự chung tay của chính quyền và người dân, Hà Tĩnh đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, vì một tương lai xanh.
Mai Ngọc