Hôm 20.9, thẩm phán Mỹ - Laurel Beeler ngăn chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh cấm tải WeChat vốn chuẩn bị có hiệu lực vào đêm cùng ngày.
Thẩm phán Beeler cho biết: “Chắc chắn rằng an ninh quốc gia rất quan trọng. Tuy nhiên trong việc này chính quyền đưa ra quá ít bằng chứng cho thấy một lệnh cấm WeChat giải quyết lo ngại an ninh”.
Bộ Thương mại Mỹ tái khẳng định cấm mọi giao dịch liên quan đến WeChat là điều cần làm để bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết nêu trên.
Không đơn giản chỉ cung cấp dịch vụ nhắn tin như WhatsApp hay mạng xã hội như Facebook, WeChat với nhiều người ở Trung Quốc là ứng dụng toàn năng có thể sử dụng cho trò chuyện, mua sắm, chia sẻ hình ảnh, thanh toán hóa đơn, xem tin tức, chuyển tiền, đặt lịch hẹn bác sĩ,…
WeChat bắt đầu hoạt động từ năm 2010, đến nay đã trở thành ứng dụng phổ biến nhất Trung Quốc với hơn 1,2 tỉ tài khoản hoạt động hằng ngày. Người dùng ở nước ngoài cũng thông qua WeChat giữ liên lạc với gia đình, bạn bè hoặc đối tác làm ăn ở Trung Quốc. Lý do vì Facebook, Twitter, WhatsApp, Line đều bị giới chức Bắc Kinh chặn truy cập.
Khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng thì WeChat cùng TikTok lọt vào tầm ngắm của chính quyền Trump. Giới chức Washington xác định cách hai ứng dụng thu thập dữ liệu tạo ra mối nguy rằng phía Bắc Kinh sẽ lấy thông tin cá nhân người dùng Mỹ nên tìm cách loại bỏ cả hai.
Thế nhưng, nỗ lực này không thể vượt qua thẩm phán Beeler. Bà viết trong phán quyết: “WeChat đóng vai trò phương tiện giao tiếp ảo duy nhất cho cộng đồng người Mỹ gốc Hoa nói tiếng Trung. Cấm ứng dụng ngăn cản quyền truy cập vào phương tiện giao tiếp, hạn chế quyền tự do ngôn luận”.
WeChat có thể tiếp tục được sử dụng tại Mỹ mà không gặp trở ngại nào?
Nhờ phán quyết, hai kho ứng dụng App Store, Google Play Store cùng nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Mỹ vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ các tính năng khác nhau của WeChat. Người dùng ở Mỹ sử dụng WeChat như bình thường trừ phi chính quyền Trump kháng cáo và phán quyết bị hủy bỏ.
Luật sư Nathaniel Rushforth thuộc công ty luật Đạt Ốc (Thượng Hải) đánh giá: “Chắc chắn có cách cấm WeChat khác, nhưng đều sẽ gặp phải phản kháng pháp lý. Chính quyền có khả năng kháng cáo, cơ hội chiến thắng phụ thuộc nhiều yếu tố nên đây là một cuộc chiến khó khăn”.
Một vài chuyên gia khác xem phán quyết hôm 20.9 chỉ mang tác dụng trì hoãn thực thi lệnh cấm. Theo nhà tư vấn Paul Haswell thuộc công ty luật Pinsent Masons: “Sẽ có thêm phiên điều trần nhằm xác định xem liệu lệnh cấm WeChat thực sự vi hiến hay không. Rất nhiều điều có thể xảy ra trong chính trường Mỹ từ đây cho đến lúc đó”.
Nếu lệnh cấm được xúc tiến
Mọi kho ứng dụng Mỹ sẽ ngừng cung cấp WeChat. Người dùng tại Mỹ không thể nào tìm thấy WeChat trên App Store hay Google Play.
Người dùng đã cài đặt WeChat vẫn sử dụng được ứng dụng, nhưng nếu mua thiết bị mới thì họ không thể cài ứng dụng.
Khi có lệnh cấm, nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Mỹ không được phép làm việc với WeChat. Nếu máy chủ tại Mỹ ngừng gửi dữ liệu giữa người dùng trong nước với nhau hay giữa người dùng tại Mỹ và tại Trung Quốc, WeChat sẽ trở nên cực kỳ chậm, đến mức gần như không sử dụng được.
Người dùng Mỹ cũng không thể tải xuống bất cứ bản cập nhật nào cho WeChat. Đơn vị sản xuất ứng dụng thường xuyên tung ra bản cập nhật để bổ sung tính năng hoặc vá lỗi bảo mật, thường được cung cấp qua App Store hay Google Play.
Phương án thay thế
Vẫn có vài ứng dụng nhắn tin khác dùng được cả ở Mỹ lẫn ở Trung Quốc, chẳng hạn như nền tảng WeChat Work vừa đổi tên thành WeCom.
WeCom dùng cho giao tiếp nơi công sở, người dùng liên kết với tài khoản WeChat và tiếp nhận toàn bộ liên lạc là có thể nhắn tin, tạo nhóm trò chuyện, nhận tiền ảo từ bạn bè Wechat (không nhất thiết phải tải WeCom).
Cùng thuộc về tập đoàn Tencent như WeChat, mạng xã hội QQ tuy không phổ biến bằng nhưng vẫn có hàng triệu người dùng, có thể tải xuống từ mọi kho ứng dụng, sở hữu tính năng ví điện tử tương thích với ví điện tử WeChat.
Dịch vụ nhắn tin mã hóa Signal là lựa chọn tốt cho người dùng lo ngại vấn đề quyền riêng tư. Tin nhắn gửi bởi ứng dụng không thể bị giải mã khi bị chặn trong quá trình truyền, chỉ người nhận mới có khóa giải mã. Dù là ứng dụng Mỹ, Signal vẫn dùng được ở Trung Quốc.
Đối tượng sở hữu iPhone chỉ cần chuyển sang dùng iMessage cùng FaceTime cài đặt sẵn. Cả hai đều tích hợp tính năng mã hóa nội dung.
Cả người dùng iOS lẫn Android đều có thể dùng ứng dụng họp trực tuyến Zoom, Skype, DingTalk.
Nếu vẫn khăng khăng muốn dùng WeChat sau khi có lệnh cấm?
Người dùng có thể thử, nhưng không có gì đảm bảo WeChat sẽ hoạt động mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Một phương pháp “vượt rào” khả dĩ là cài đặt thủ công WeChat từ tệp máy tính vào thiết bị, song làm vậy tồn tại rủi ro là ứng dụng tải từ nguồn khác ngoài App Store hay Google Store chưa chắc được kiểm tra lỗi hay các vấn đề bảo mật.
An toàn hơn là thay đổi nhận dạng quốc gia/khu vực trong điện thoại sang nơi khác ngoài Mỹ để sử dụng App Store hay Google Store bản nước ngoài. Cách này cho phép người dùng nhận cập nhật mới nhất cho WeChat.
Sau khi cài đặt WeChat phiên bản mới nhất, người dùng nhờ đến mạng riêng ảo (VPN) kết nối với một máy chủ bên ngoài nước Mỹ rồi truy cập như bình thường. Tuy nhiên nếu Tencent quyết định chặn tài khoản sử dụng số điện thoại Mỹ thì người dùng phải tháo cả thẻ SIM và sử dụng VPN.
Cẩm Bình (theo SCMP)