Đòi bồi thường 1 tỉ là không chính xác
Sau vụ cháy lớn tại Công ty bóng đèn Rạng Đông ngày 28.8, 95% hộ dân đã phải di tản vì lý do sức khỏe, hoạt động kinh doanh của nhiều gia đình vì thế mà cũng bị gián đoạn. Đến nay, 80% các hộ di tản đã quay về, còn một số gia đình thì vẫn chưa.
Tại buổi làm việc hôm 16.10 với Công ty Rạng Đông, người dân cho rằng công ty này phải có trách nhiệm xử lý hậu quả sau vụ cháy, bao gồm cả việc bồi thường cho dân.
Ông Ngô Đức Phương, 63 tuổi, một trong những gia đình phải di tản sau vụ cháy cho biết, hôm bữa bên Rạng Đông cũng có cho người đại diện đến nói chuyện với người dân ở đây. Người dân có đề nghị bồi thường tổn thất. Tuy nhiên, mọi ý kiến mới dừng lại ở mức được “ghi nhận”. Đến nay, người dân vẫn chưa nhận lại hồi âm từ phía công ty về việc bồi thường thiệt hại.
Hiện các hộ dân trong khu đô thị 54 cho đến tổ dân phố 23, 24 đều đã làm hồ sơ ủy quyền cho văn phòng luật sư để yêu cầu công ty bóng đèn Rạng Đông sớm có câu trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, theo ông Phương, việc ủy quyền cho văn phòng luật sư chỉ đang trong quá trình thực hiện và chưa nhận được sự nhất trí của tất cả người dân Hạ Đình nói chung và khu đô thị 54 Hạ Đình nói riêng.
“Giấy ủy quyền mỗi nhà được phát một bản để ký, sau đó chuyển cho một người đại diện, có nhà ký có nhà không, những nhà không nộp thì thôi. Đến bây giờ vẫn chưa thể ủy quyền được vì thiếu đồng thuận”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Minh Hùng, một người dân cho rằng, không thể định mức chung chung mức bồi thường vì nó tùy thuộc vào thiệt hại của mỗi gia đình. Hơn nữa điều này đã có quy định ở luật nên không có gì bàn cãi nhiều.
“Nhà máy này đã có từ lâu hệ thống kho tàng bến bãi đã xuống cấp, cơ sở vật chất lạc hậu, hỏa hoạn cũng là việc khó tránh khỏi. Ban đầu chúng tôi chỉ mong hai bên tìm được tiếng nói chung, tuy nhiên bây giờ muốn hay không muốn thì cũng phải ra tòa cùng nhau giải quyết việc này”, ông Hùng nói.
Theo người dân, một trong những khó khăn lớn nhất là việc thu thập bằng chứng chứng minh thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Lam, 54 tuổi cho hay, sau khi xảy ra vụ cháy, phường có cho tất cả người dân trong khu phố đi khám nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được kết xét nghiệm. Hiện ông cũng không biết mình có bị nhiễm thủy ngân hay không và những người công nhân vẫn làm việc bình thường sau vụ cháy, sức khỏe của họ thế nào.
“Hồi đấy, tại bệnh viện Đa khoa Đống Đa, bà con đi rất đông, nhưng không có giường, hoặc có thì phải nằm từ 6-8 ngày. Bà con cứ vạ vật chờ đợi, ai không chịu được thì bỏ về. Còn ở Thanh Xuân giống như một bệnh xá nghèo, người dân muốn chuyển tuyến trên để hưởng điều kiện tốt hơn thì họ cho đi nhưng không cho giấy giới thiệu. Người dân đành chịu’, ông Lam chia sẻ.
Trước đó, có thông tin người dân Hạ Đình yêu cầu công ty bồi thường tiền khám chữa bệnh cho mỗi người là 4 triệu đồng, bồi thường tiền thuê nhà ở là 60 triệu đồng/hộ, bồi thường mất thu nhập 6-8 triệu đồng/người
Ngoài ra, Công ty Rạng Đông còn bị yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần với số tiền 60 triệu đồng/người, bồi thường 1 tỉ đồng cho mỗi lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân.
Muốn bồi thường, phải có căn cứ chứng minh
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng từ vụ cháy nêu trên có quyền yêu cầu Công ty Rạng Đông phải bồi thường đối với những thiệt hại về tài sản bao gồm những tài sản bị mất, bị hư hỏng có nguyên nhân xuất phát từ vụ cháy.
Cùng với đó là những lợi ích như quyền sử dụng nhà, quyền cho thuê nhà, quyền kinh doanh… bị ảnh hưởng; Những chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại và những chi phí khác phát sinh từ việc ảnh hưởng của vụ cháy đến tài sản của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, những thiệt hại đó phải là những thiệt hại thực tế, có thể chứng minh được bằng chứng cứ.
Theo ông Đặng Văn Cường, đối với những thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Cùng với đó, theo ông Cường, trong trường hợp, hai bên không thỏa thuận, thống nhất được về mức bồi thường thiệt hại, danh mục các khoản thiệt hại phải bồi thường, phương thức bồi thường, thanh toán thì có quyền khởi kiện.
Luật sư này cũng cho biết, những yêu cầu bồi thường thiệt hại phải dựa trên các tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Cụ thể là các giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu tài sản, tài liệu về việc người dân phải di chuyển chỗ ở, thu nhập bị mất, bị giảm sút, các hóa đơn chứng từ chứng minh về việc kinh doanh bị giảm sút... Tất cả những chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng phải là những hóa đơn, chứng từ do bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, nhà thuốc xác nhận hoặc những chứng cứ khác có thể được chấp nhận theo quy định pháp luật”.
Còn trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được thiệt hại đó đã xảy ra trên thực tế, không chứng minh được mức thiệt hại mà không có sự thỏa thuận thì tòa án cũng sẽ không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại đó.
Bởi vậy, theo vị luật sư, riêng đối với khoản này thì người dân cần cân nhắc nếu phải khởi kiện đến tòa án. Trong trường hợp khởi kiện thì người khởi kiện phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong trường hợp không chứng minh được thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Thiên Mỹ