Luật sư Vũ Xuân Nam, người bào chữa cho ông Trương Minh Tuấn đề nghị xử kín trong những giai đoạn nhất định của phiên tòa vì cho rằng còn có một số tài liệu chưa được giải mật. Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát cho rằng đây là phiên tòa công khai, do đó đề nghị tiếp tục phiên xử.
Theo cáo trạng, về khoản tiền nhận hối lộ, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đều khai nhận, trong quá trình thực hiện dự án và sau khi MobiFone thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã hối lộ tổng cộng khoảng 137,5 tỉ đồng.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD (gần 66,5 tỉ đồng), bị cáo Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD (55,6 tỉ đồng), bị cáo Cao Duy Hải nhận 500.000 USD (khoảng 11 tỉ đồng), bị cáo Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4,45 tỉ đồng). Ngoài ra, bị cáo Trương Minh Tuấn còn khai thực hiện sự chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son là vì được Nguyễn Bắc Son hứa hẹn tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Tuy nhiên, ngoài 2 căn nhà của bị cáo Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son đã được kê biên, còn lại Cơ quan CSĐT mới thu hồi được khoảng hơn 70 tỉ đồng do gia đình và các bị can giao nộp, cũng như tài khoản ngân hàng bị phong tỏa.
Riêng bị cáo Nguyễn Bắc Son, được xác định là chủ mưu, nhận số tiền lót tay nhiều nhất, nhưng đến nay CSĐT mới kê biên được ngôi nhà số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế, P.Cửa Đông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, đứng tên chủ sở hữu của bị cáo Son và vợ; đồng thời phong tỏa tài khoản tiết kiệm của bị cáo tại ngân hàng với số tiền gần 592 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền, bị cáo Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh, bà Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ cha mình là bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, mọi chứng cứ, tình tiết của vụ án phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa. Kết quả giải quyết vụ án là kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, tất cả các chứng cứ đều phải được kiểm tra, đánh giá, tranh luận công khai, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự như nguyên tắc chứng minh tội phạm, nguyên tắc xác định sự thật, nguyên tắc suy đoán vô tội...
Trong vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son khai nhận số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD đã đưa cho con gái. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, con gái ông Son không thừa nhận điều này nên cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận sai phạm của người này cũng như không đề cập xử lý thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với số tiền này.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Mọi chứng cứ, tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
Theo luật sư Cường, tòa án sẽ làm rõ sự thật của vụ án là con gái ông Nguyễn Bắc Son có nhận, sử dụng số tiền đó không. Trong trường hợp người này biết số tiền là do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ sẽ bị xử lý hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời có trách nhiệm giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận từ ông Nguyễn Bắc Son nêu trên.
Trường hợp kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa cho thấy người phụ nữ này không nhận số tiền trên thì phải làm rõ số tiền mà ông Son phạm tội mà có đang ở đâu, ai đang cất giữ, quản lý có hành vi rửa tiền hay không, có đồng phạm hoặc người khác phạm tội khác hay không thì mới giải quyết vụ án một cách triệt để được.
“Nếu không rõ được tình tiết này thì vụ án không thể kết thúc và không thể có kết luận thỏa đáng. Tình tiết này rất quan trọng, không chỉ liên quan đến yếu tố bỏ lọt tội phạm mà còn liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng”, ông Cường nêu quan điểm.
Trong một lần trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và pháp luật) cho rằng tội phạm tham nhũng nói chung và tội nhận hối lộ có độ ẩn rất cao, nên khả năng đối phó, che giấu rất giỏi; tội nhận, đưa hối lộ chỉ có hai bên biết với nhau nên trông chờ vào sự tố cáo là rất thấp so với các tội khác. Hơn nữa, loại tội phạm này ít có người làm chứng nên việc sử dụng chứng cứ người làm chứng rất khó…
“Do đó, Bộ luật Hình sự đã thể hiện điều này bằng chính sách riêng (đặc thù) đối với tội phạm về tham nhũng. Ví dụ, để thu hồi tài sản tham ô thì chấp nhận không tử hình, miễn sao kẻ phạm tội khắc phục ¾ hậu quả. Mục đích của nhà nước không phải là bắt người ta đi tù mà là khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra. Đây là xu thế của luật hình sự hiện đại”, ông Hưng nói.
Cũng theo chuyên gia này, đối với tội về hối lộ, việc phát hiện, xử lý khó khăn, nên Bộ luật Hình sự quy định đặc biệt với người đưa hối lộ là hoàn toàn hợp lý.
Theo đó, người đưa hối lộ nếu bị ép buộc phải đưa hối lộ mà chủ động khai báo, tố giác thì không phạm tội và được trả lại tiền hối lộ. Người nào không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo, tố giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Cũng theo ông Hưng, luật tố tụng hình sự nhiều nước cũng đã quy định Thỏa thuận nhận tội hay Mặc cả thú tội (Plea agreement- l'accord sur le plaidoyer). Theo đó, công tố và luật sư của bị cáo, hoặc bị cáo khi tự bào chữa cho mình, có thể thảo luận và đạt được một thỏa thuận thú tội.
Lam Thanh