Chiều 10/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV) trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi (MN) giai đoạn 2012-2018”.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH báo cáo kết quả giám sát (Ảnh: TTXVN)
Chưa bền vững
Báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018”, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH cho biết, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, MN.
Đến nay đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn một số hạn chế, yếu kém. Kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao: Hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ nghèo cả nước (52,66%) và chiếm tỷ lệ 27,55% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, cận nghèo đều cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo dân tộc thiểu số còn ở mức cao, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sinh hoạt.
Một số vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được giải quyết cơ bản, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn, định mức hỗ trợ thấp; vốn cấp không đủ, chậm và không đồng bộ, nên việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả cao, nhiều chương trình/dự án giảm nghèo khi kết thúc đều không đạt mục tiêu, phải kéo dài thời gian thực hiện. Các chương trình, dự án giảm nghèo do nhiều Bộ, ngành phụ trách, có cơ chế quản lý, vận hành khác nhau, làm hạn chế việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chung.
Về nguyên nhân dẫn đến kết quả giảm nghèo vùng DTTS, MN chưa thực sự bền vững, theo ông Hà Ngọc Chiến, thì một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng. Đồng bào DTTS, MN ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ di dân tự do còn thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo bền vững. Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, dàn trải, một số chính sách trùng lặp về nội dung và địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, một số chính sách xây dựng và ban hành có định mức thấp, hiệu quả không cao, chậm sửa đổi, bổ sung. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạch định, ban hành chính sách chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời; việc lấy ý kiến tham gia của Hội đồng dân tộc vào việc xây dựng chính sách giảm nghèo cho vùng DTTS, MN chưa được quan tâm đúng mức, sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế.
Chính sách chưa trúng hay chưa quyết tâm?
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá những mục tiêu đặt ra cho việc thực hiện giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, MN những năm qua đã đạt nhiều kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên ông nhận xét, một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành chậm và chậm sửa đổi, bổ sung đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành và tiến độ xây dựng, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các tỉnh. “Nhiều cuộc giám sát trước chỉ ra chính sách thường chậm so với thực tế, chính sách thường lạc hậu so với yêu cầu cuộc sống” – ông nói.
Vẫn theo ông Phùng Quốc Hiển, vẫn còn có những chính sách chồng chéo, phân tán, chưa tập trung; vẫn còn tình trạng nợ chính sách...
Về tổ chức thực hiện, ông cho rằng, nguồn lực thời gian qua khá tập trung, cơ bản đều đạt dự toán nhưng so với yêu cầu còn chưa đáp ứng. Đặc biệt, theo ông dù nguồn lực khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo. Chẳng hạn, qua kết quả của Kiểm toán nhà nước thì sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2012 – 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 102,879 tỷ đồng nhưng giai đoạn 2016 – 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 141,478 tỷ đồng.
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong xóa đói giảm nghèo thì cần phân tích kĩ vấn đề xây dựng nông thôn mới. Ông thẳng thắn nhận xét nhiều nơi đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ đạt ở “vỏ” còn lõi bên trong là tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân có phát triển không thì lại không đạt.
Bày tỏ băn khoăn trước việc đồng bào DTTS, MN ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ di dân tự do còn thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu: “nghe theo tiếng gọi của Nhà nước, người dân sẵn sàng nhường đất cho xây dựng các công trình thủy điện nhưng trong quá trình tái định cư, người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, nơi ở mới chưa tốt hơn nơi ở cũ điều đó khiến người dân di cư tự phát từ Tây Bắc sang Tây Nguyên, đây là vấn đề lớn cần phải đánh giá cho kỹ”.
Nguyên nhân theo bà Nga là do chương trình giảm nghèo được lồng ghép trong nhiều chính sách nhưng việc ban hành văn bản rất chậm, chưa ban hành kịp, chất lượng ban hành văn bản “cũng có vấn đề” khi lồng ghép chính sách và phối hợp liên ngành chưa đảm bảo; nhiều chính sách manh mún dàn trải, chưa khả thi, có chính sách hợp với vùng này nhưng không hợp với vùng khác nhưng vẫn áp dụng chung, định mức thấp và quy trình ban hành chính sách không khả thi, nhất là việc chưa lấy ý kiến của địa phương -nơi hưởng thụ chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị báo cáo cần quan tâm hơn trong công tác kiểm tra, giám sát và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành. Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện vẫn có những sai phạm, đáng chú ý giai đoạn sau sai phạm nhiều hơn giai đoạn trước.
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác xóa đói giảm nghèo, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện khẳng định nhờ các chính sách vừa qua mà đời sống dân tộc miền núi khởi sắc. Tuy nhiên, so với nguồn lực đã đầu tư và chỉ đạo của Nhà nước rõ ràng vẫn chưa đạt như mong muốn.
Cá nhân bà trăn trở về 5 khó khăn mà đồng bào DTTS, MN đang đối mặt về: điều kiện tự nhiên; chất lượng nguồn nhân lực; kinh tế xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; và khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản. Bà đặt câu hỏi: “Chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng do chính sách của chúng ta chưa đúng, chưa trúng, hay chưa thực sự quyết tâm thực hiện mà đồng bào miền núi phải “gánh 5 cái nhất”?.
Bà chỉ rõ, nguyên nhân khách quan được nêu trong báo cáo chỉ 5 dòng, nhưng nguyên nhân chủ quan dài 2,5 trang. Như vậy, nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người là yếu tố chính vì vậy phải cần đánh giá tác động của việc chậm ban hành văn bản làm ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thực hiện?.
Về giải pháp, bà nhấn mạnh tới việc cần thu hút nguồn lực, xã hội hóa cho khu vực miền núi trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Bà xúc động phát biểu: “Hiện nay, các trường tư thục, bệnh viện mở ở vùng đồng bằng rất nhiều. Ví dụ, ngay trong lĩnh vực giáo dục, chương trình sữa học đường có mặt ở nhiều địa phương nhưng tôi rớt nước mắt khi người dân Hòa Bình - nơi tôi ứng cử hỏi tại sao các vùng khác có chương trình sữa học đường nhưng ở Hòa Bình không được hộp sữa, vẫn đi chân đất đi học? Ta phải tránh việc nước chảy chỗ trũng, cần phải có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của tư nhân vào vùng sâu, vùng xa”.
Cuối cùng, bà Hải mong muốn kết quả giám sát lần này sẽ nâng cao hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, thu hẹp sự chênh lệch giàu nghèo, với tiêu chí “miền núi tiến kịp miền xuôi”. “Tôi mong càng ngày càng ít cảnh trẻ em học ở các trường ăn ở tạm bợ, chênh lệch với trẻ em thành phố”, bà Hải xúc động nói./.