(HNM) - Đúng ngày đầu tiên của năm 2021, trong một bước đi được cho là sẽ khiến vấn đề hạt nhân Iran tiến sâu hơn vào ngõ cụt, Tehran đã thông báo ý định sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, tức là trở về ngưỡng trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Cục diện căng thẳng hiện nay khiến dư luận không khỏi nghĩ đến một kịch bản có chiều hướng xấu hơn với những hậu quả khó có thể lường trước.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã gửi thư thông báo với cơ quan này về ý định làm giàu uranium lên tới 20% tại nhà máy ngầm Fordow theo một đạo luật mà Quốc hội Iran mới thông qua. Tuy nhiên, Tehran không đề cập thời điểm chính xác khi nào hoạt động này được thực hiện.
Trên thực tế, sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, từ tháng 5-2019, Tehran đã từng bước giảm bớt các cam kết, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu uranium.
Theo báo cáo mới đây nhất của IAEA, hồi tháng 11-2020, Iran đã làm giàu uranium lên mức cao hơn mức cam kết 3,67% theo JCPOA nhưng không vượt quá ngưỡng 4,5%, và vẫn tuân thủ cơ chế kiểm soát rất nghiêm ngặt của cơ quan này. Tuy nhiên, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh hồi cuối tháng 11-2020 được ví như “giọt nước tràn ly” khiến tình hình trở nên vượt tầm kiểm soát.
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei ngay lập tức tuyên bố nước này sẽ có hành động đáp trả, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện. Quốc hội Iran cũng đã thông qua một dự luật khẩn cấp, trong đó kiến nghị tăng sản lượng uranium làm giàu ở các cấp độ khác nhau phục vụ các mục đích hòa bình, đồng thời kiến nghị chính phủ ngăn mọi hoạt động tiếp cận và thanh tra của nước ngoài đối với các cơ sở hạt nhân của Iran ngoài khuôn khổ nghị định thư bổ sung của Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT).
Các nhà phân tích cho rằng, một khi JCPOA đổ vỡ, hệ lụy không chỉ dừng lại ở việc mất đi một cơ chế đối thoại giữa Iran và phương Tây mà còn có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm tại khu vực và trên thế giới. Khi không còn cam kết với JCPOA, khó có gì ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân. Kèm theo đó là nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ mà sức nóng chắc chắn sẽ lan rộng cả khu vực Trung Đông. Nếu điều này xảy ra, an ninh của châu Âu cũng chịu ảnh hưởng. Cho dù đến nay Liên minh châu Âu (EU) vẫn chủ trương bảo vệ JCPOA, song dường như các nước thành viên chưa tìm được cách cân bằng lợi ích trong vấn đề này.
Trong khi đó, chiến thuật “gây sức ép tối đa” của Mỹ đối với Iran cũng có nhiều rủi ro. Các biện pháp tái trừng phạt mà Mỹ áp đặt trong vòng 4 năm qua, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ, đã làm tổn hại nặng nề nền kinh tế Iran. Doanh thu từ dầu mỏ của nước này giảm 92%, đầu tư trực tiếp giảm 26,5% trong khi đồng rial nội tệ sụt giá thảm hại và tỷ lệ lạm phát phi mã tới 35%. Mặc dù Chính phủ Iran đã cố gắng thực hiện nhiều chính sách khắc phục song đời sống của người dân ngày càng khó khăn.
Từng được coi là thỏa thuận mang tính lịch sử khi chấm dứt một trong những “hồ sơ” nóng bỏng nhất thế giới trong hàng thập kỷ, tuy nhiên, với những động thái gia tăng căng thẳng từ Mỹ và Iran, JCPOA đang đến gần hơn bờ vực đổ vỡ.
Theo các nhà phân tích, lúc này các bên tham gia ký kết còn lại là Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc chỉ có thể chờ đợi và hy vọng vào chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, người được cho là có quan điểm cởi mở hơn trong vấn đề này.