(HNM) - Chỉ trong vòng hơn 8 tháng bùng phát, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 900.000 người trên thế giới tử vong và số ca mắc bệnh tiếp tục tăng nhanh. Mặc dù các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội có thể giúp giảm bớt sự lây lan của vi rút, song vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Cùng với nghiên cứu, sản xuất, các quốc gia đang khẩn trương lên kế hoạch cho việc mua và phân phối trên diện rộng các loại vắc xin chứng minh được tính an toàn và hiệu quả.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, có hơn 250 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển trên toàn cầu, trong đó có 30 ứng cử viên đang được thử nghiệm lâm sàng và ít nhất 8 loại ở trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Báo cáo đánh giá thị trường của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định, một lượng vắc xin ngừa Covid-19 nhiều chưa từng thấy có thể được 28 hãng dược phẩm tại 10 quốc gia sản xuất trong vòng 1 đến 2 năm tới, với việc phân phối khoảng 10 tỷ liều đến tất cả các nơi trên hành tinh.
Nga là một trong những nước có kế hoạch lưu hành và tiêm đại trà vắc xin Covid-19 sớm nhất thế giới. Trong một tuyên bố ngày 8-9, Bộ Y tế nước này cho biết, lô vắc xin Sputnik V đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya phát triển đã vượt qua các đợt thử nghiệm về chất lượng và được đưa vào lưu hành. Xứ Bạch dương đã lên kế hoạch tăng cường sản xuất 200 triệu liều vắc xin Sputnik V vào cuối năm nay, trong đó có 30 triệu liều cho nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, Trung Quốc đã lần đầu tiên ra mắt các loại vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại Hội chợ thương mại dịch vụ quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh hôm 7-9 vừa qua. Trong số này có vắc xin của Tập đoàn Y dược Trung Quốc Sinopharm và vắc xin còn lại là của Công ty Công nghệ sinh học Sinovac.
Trước những kết quả khả quan từ quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin Covid-19, nhiều khoản chi ngân sách khổng lồ đã được các chính phủ nhanh chóng tung ra cho các hợp đồng tiềm năng. Tuần này, Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc đã lập khoản ngân sách 170,7 tỷ won (143,5 triệu USD) dùng để hỗ trợ phân phối thuốc điều trị và vắc xin Covid-19 trong dự toán ngân sách năm tài khóa 2021.
Chính phủ Nhật Bản quyết định chi hơn 670 tỷ yên (tương đương 6,3 tỷ USD) để mua vắc xin ngừa Covid-19 từ các công ty nước ngoài với mục tiêu bắt đầu tiêm chủng cho toàn dân kể từ nửa đầu năm 2021.
Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartanto cho biết, Chính phủ nước này đã chi hơn 250 triệu USD để thanh toán trước cho hợp đồng mua vắc xin ngừa Covid-19 và dự tính sẽ dành 2,51 tỷ USD trong năm tới cho chương trình phát triển vắc xin kéo dài nhiều năm…
Phát biểu trước Ủy ban Y tế cộng đồng thuộc Nghị viện châu Âu, Phó Tổng Vụ trưởng về y tế và an ninh lương thực của Ủy ban châu Âu (EC) Sandra Gallina cho biết, dự kiến các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận được những liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên vào cuối năm nay. Sau đó, khoảng giữa tháng 4-2021, vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được cung cấp rộng rãi tại châu Âu.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cơ quan này sẽ không đưa ra khuyến nghị nên sử dụng loại vắc xin nào để phòng ngừa Covid-19 trước khi chúng chứng minh được tính an toàn và hiệu quả.
Trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO Soumya Swaminathan cho rằng, rất đáng lạc quan vì một lượng lớn vắc xin tiềm năng đang được thử nghiệm và tốc độ bào chế vắc xin ngừa Covid-19 ở mức nhanh chưa từng thấy. Hy vọng rất lớn được đặt vào các nỗ lực nghiên cứu, điều chế và phân phối vắc xin hiệu quả để hướng tới việc đẩy lùi đại dịch.