Chỉ thị phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số truyền tải thông điệp vượt qua các khó khăn hiện nay bằng việc ứng dụng các công nghệ mới vào mọi mặt đời sống, để khởi tạo cuộc sống số, tạo ra các cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Chỉ thị của Bộ TT-TT đặt ra 10 nhiệm vụ cần phải chuyển đổi số bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực như giáo dục, y tế, sản xuất, thương mại điện tử... Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên như phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để tạo lập môi trường làm việc số để thiết lập, duy trì môi trường làm việc liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị trực tuyến; văn phòng làm việc trực tuyến; quản trị số và công cụ giao tiếp số.
Phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để cung cấp thông tin y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; theo dõi, cung cấp thông tin về tình hình y tế cộng đồng, y tế cơ sở, theo dõi, giám sát sự lây lan, cảnh báo các vùng, cộng đồng có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ nhằm hỗ trợ Chính phủ, toàn dân phòng, chống dịch COVID-19, tư vấn sức khỏe cho người dân, cộng đồng, giải pháp y tế từ xa để giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số phục vụ nhu cầu học tập. Trong đó, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ lớp học thông minh; học tập trực tuyến; thư viện, kho học liệu số và các giải pháp đổi mới như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thúc đẩy sáng tạo, tăng tính sinh động trong giảng dạy, học tập…
Chỉ thị vận động phát triển các nền tảng hỗ trợ giao vận hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực sản xuất, phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ nhà máy thông minh giúp chuyển đổi từ hệ thống sản xuất tự động hóa truyền thống sang hệ thống sản xuất số. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tự động hóa sản xuất thông qua việc kết hợp các công cụ như người máy, thiết bị bay không người lái và các cảm biến IoT.
Cần phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số sử dụng phương tiện thanh toán trực tuyến, thanh toán qua tài khoản viễn thông di động, ngân hàng số để thúc đẩy thương mại điện tử, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, phát triển các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử, xử lý thông tin sai sự thật (fake news)…
Công tác tổ chức thực hiện được Bộ trưởng giao trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị chuyên trách của Bộ như Cục Tin học hóa, Cục CNTT, Cục Viễn thông, Cục ATTT, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin cơ sở và các sở TT-TT địa phương.
Thu Anh