Trong khoảng thời gian rùa lên bãi đẻ trứng, các nhân viên của Vườn Quốc gia Núi Chúa thường xuyên tuần tra, theo dõi, ghi nhận thông tin, di dời các tổ trứng có nguy cơ ngập nước do thủy triều, bảo vệ trứng và rùa con khỏi con người săn trộm và các loài khác, thực hiện công tác cứu hộ và thả rùa con về biển. Ảnh: Nguyễn Thành
Việc UNESCO công nhận thêm 02 Khu DTSQ của Việt Nam thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam. Đây là một cơ hội tốt giúp Việt Nam góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam ra với thế giới.
Các khu DTSQ khi được công nhận sẽ là mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học…
Bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức UNESCO cho biết Việt Nam là nước duy nhất có hai hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên xét duyệt.
Khu DTSQ Núi Chúa với 1 vùng lõi là Vườn Quốc Núi Chúa, tổng diện tích 106.646,45 ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Hệ sinh thái rừng ở khu vực đề cử có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites- thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.
Loài Cheo lưng bạc Việt Nam (tên khoa học: Tragulus versicolor) tại khu vực VQG Núi Chúa. Ảnh: TTXVN
Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng với tổng diện tích 413.511,67ha, gồm 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu DTSQ này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu hệ thống thác ghềnh đa dạng, mang vẻ đẹp hùng vĩ. Ảnh: Báo Gia Lai
Cả hai khu DTSQ Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.
Với việc trở thành những cái tên được UNESCO công nhận, Núi Chúa và Cao Nguyên Kon Hà Nừng đã chứng tỏ tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt, là cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội, và giải quyết các mối đe doạ toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, CIC-MAB cũng đã xem xét báo cáo định kỳ 10 năm và đánh giá cao công tác quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ và Cù Lao Chàm - Hội An.
11 khu DTSQ tại Việt Nam được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới bao gồm:
1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).
2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001).
3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004).
4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004).
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006).
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007).
7. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009).
8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009).
9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015).
10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)
11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).
Nguồn ngaynay.vn
Link bài gốchttps://ngaynay.vn/unesco-cong-nhan-them-2-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-o-viet-nam-post112590.html