Ngày 19/4/2025, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá đường dây sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất cấm, thu giữ gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại, có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo" (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP)) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.
Trước đó, vào cuối năm 2024 tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng cũng phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hoạt chất 6 - Benzylaminopurine để làm giá đỗ. Tại thời điểm bị phát hiện, nhóm đối tượng trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm chất cấm
Theo đó, hóa chất 6-Benzylaminopurine - chất kích thích tăng trưởng tế bào mà các nghi phạm sử dụng tưới vào giá đỗ trong quá trình sản xuất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm tại Việt Nam, khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Đáng nói, việc sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất giá đỗ nhằm mục đích tăng trưởng nhanh, thân to, mập và đẹp mắt hiện nay không hiếm gặp. Điều này khiến người dân vô cùng lo lắng bởi ăn giá đỗ kiểu này tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Khi đi chợ, nhiều người không biết mua hàng nào mới sạch chuẩn, tránh rước bệnh cho chính mình và gia đình.
Làm sao để phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất?
Giá đỗ là thực phẩm giàu protein, chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Việc sử dụng giá đỗ hoặc mầm ngũ cốc còn giúp tăng giá trị dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các loại đậu, ngũ cốc. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi lựa chọn giá đỗ, người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm phân biệt giữa giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất
Quan sát hình dạng, chiều dài giá đỗ
Giá đỗ sạch lấy chất dinh dưỡng tự thân, không có chất kích thích nên gầy, thân mảnh, phát triển không đều nhưng thân giá cứng hơn và khó đứt gãy. Trong khi đó, giá ngâm hóa chất thường bắt mắt hơn, thân mập, to tròn nhưng thân giá dễ bị đứt gãy.
Độ dài rễ giá đỗ
Giá đỗ sạch thường có rất nhiều rễ vì phải hút nhiều nước, rễ cây dài khoảng 3-7cm, lông tơ nhiều. Ngược lại, giá đỗ ngâm hóa chất thường ít rễ và rễ thường rất ngắn hoặc không có rễ vì chưa kịp mọc.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Lá, mầm giá đỗ
Thông thường, giá đỗ sạch thường có 2 hạt mầm to và lá non màu xanh hoặc vàng. Còn giá đỗ ngâm hóa chất thường không có lá hoặc có 2 hạt ngậm chặt với nhau do không đủ thời gian phát triển.
Màu sắc giá đỗ
Về màu sắc, giá đỗ sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, trong khi giá đỗ ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, trông bóng bẩy hơn.
Phân biệt bằng mùi vị giá đỗ và thời gian bảo quản
Khi chưa sơ chế, giá đỗ ngâm hóa chất không có mùi vị gì, còn giá đỗ sạch thường có vị khé khé.
Khi ăn, giá ngâm hóa chất thường xốp, khô, không thơm, thậm chí có mùi hắc, ít mùi đậu tự nhiên, không ngọt, ra rất nhiều nước khi chế biến. Giá ngâm hóa chất có thể để ngoài trời nhiều ngày, ở nhiệt độ thường, không lo bị hỏng. Còn giá sạch dễ úng, khô lại hoặc thâm, nhanh hỏng hơn sau 1-2 ngày để bên ngoài. Khi xào nấu, giá có mùi thơm, ngọt, thanh hơn.
Bên cạnh các cách phân biệt bằng mắt thường kể trên, người tiêu dùng nên chú ý lựa chọn thực phẩm tươi sống, nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm định an toàn vệ sinh.
Nên chọn mua giá đỗ ở những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng. Nên bảo quản thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
Khi chế biến thực phẩm cần chú ý giữ vệ sinh. Rửa tay kỹ trước khi chế biến thực phẩm và sau khi có những công việc khác làm gián đoạn. Giữ bếp luôn khô ráo sạch sẽ, thường xuyên giặt khăn lau tay, khăn lau bát đĩa và vệ sinh kỹ các dụng cụ nấu nướng, lò nướng, lò vi sóng...
Phương Anh
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/tu-vu-3500-tan-gia-do-ngam-hoa-chat-biet-5-cach-nay-de-an-toan-cho-ca-nha-d205601.html