(HNM) - Diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đang khiến một phần nền kinh tế Trung Quốc tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, dịch Covid-19 không thể ngăn cản nước này thực hiện những mục tiêu to lớn trong năm 2020. Và thực tế, Trung Quốc đang nỗ lực triển khai hàng loạt bước đi nhằm tái khởi động nền kinh tế.
Chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, trong hai tháng đầu năm 2020, ngành Du lịch của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này sẽ thiệt hại 128 tỷ USD, trong khi ngành tiêu dùng thiệt hại 59,7 tỷ USD. Cá biệt, trong hai tuần đầu của tháng 2, doanh số ô tô bán ra của Trung Quốc đã giảm tới 92% so với cùng kỳ năm 2019. Mức thiệt hại lớn do dịch Covid-19 cũng được dự báo sẽ xảy ra ở hàng loạt lĩnh vực sản xuất và chuỗi cung ứng, khi nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đang đẩy mạnh các biện pháp kích thích tăng trưởng với phương châm tập trung giải quyết ba vấn đề chính: Bảo đảm nguồn lao động, ổn định hoạt động sản xuất và kích thích tiêu dùng.
Để giảm sức ép tài chính cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm lãi suất cơ bản cho vay 1 năm từ mức 4,15% xuống 4,05%. Bắc Kinh cũng tạm thời miễn, giảm phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp trong 5 tháng, giúp bớt đi gánh nặng khoảng 107 tỷ USD cho các doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng thương mại được yêu cầu gia hạn nợ, tiếp tục cấp vốn cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trụ vững qua "bão" Covid-19, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa ban hành thông tư yêu cầu chính quyền các địa phương phải bảo đảm mọi doanh nghiệp trên địa bàn có đủ số lao động cần thiết; bảo đảm điện, nước và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính... Thông tư nói trên cũng khuyến khích các địa phương chủ động thiết lập đường dây nóng liên lạc với các nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Hải quan Trung Quốc hiện cũng đã đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa; giảm phí kiểm tra và kiểm dịch; tối ưu hóa môi trường kinh doanh...
Đối với thị trường tiêu dùng, Trung Quốc thúc đẩy dịch vụ thương mại điện tử không chỉ như một biện pháp phòng ngừa bệnh dịch lây lan, mà còn là phương án ứng cứu nền kinh tế giữa lúc hàng triệu người dân ngại đi mua sắm trong không gian đông đúc. Chính quyền các địa phương được yêu cầu giúp đỡ doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Để đáp ứng bổ sung nguồn nhân lực, Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo sẽ có phương án tuyển dụng đối với sinh viên mới tốt nghiệp và các lao động di cư từ nông thôn. Bộ Tư pháp Trung Quốc đề nghị các cơ quan hành chính và tư pháp nhà nước thực hiện các dịch vụ pháp lý hiệu quả, thuận tiện nhằm bảo vệ lợi ích của lao động di cư trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương của Trung Quốc tổ chức hàng nghìn lượt xe đưa đón miễn phí nhằm hỗ trợ lao động quay trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc. Với những doanh nghiệp không cắt giảm nhiều lao động sẽ được hoàn lại một nửa số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã đóng trong năm 2019.
Nhờ những nỗ lực trên, số nhà máy, xí nghiệp tại Trung Quốc trở lại sản xuất ngày càng nhiều hơn. Ở một số trung tâm kinh tế như Quảng Đông, Thượng Hải, Giang Tô… số doanh nghiệp có quy mô lớn quay trở lại sản xuất hiện đã đạt trên 50%.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó đối với dịch Covid-19 không chỉ hạn chế tối đa thiệt hại đối với nền kinh tế, mà còn tạo niềm tin với doanh nghiệp. Đây là hai yếu tố quan trọng để Trung Quốc khôi phục, giữ vững sức mạnh của nền kinh tế số một châu Á.