Trồng thành công gần 300.000 cây xanh trên 7 khu rừng đầu nguồn
Dịp Noel năm nay, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng 26.628 cây tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Như vậy, khép lại năm 2024, Gaia đã trồng thành công 292.729 cây tại 7 khu rừng đầu nguồn trên cả nước và 6 trường học tại TPHCM.
Chương trình có sự đồng hành tham gia và đóng góp của hơn 33 doanh nghiệp và gần 2.000 cá nhân. Song song đó, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng như nghiên cứu cây xanh, tọa đàm, ngày hội cùng với các chiến dịch truyền thông đã được tổ chức với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cư dân mọi miền tổ quốc.
Dịp Noel năm nay, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng 26.628 cây tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền.
Theo công bố Hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có diện tích rừng tự nhiên 10.129.751 ha và rừng trồng 3.797.371 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 42,02%. Tuy tương đương gần một nửa diện tích Việt Nam được che phủ bởi rừng nhưng chất lượng rừng vẫn cần được nâng cao.
Chính vì vậy, những nỗ lực phục hồi rừng của Việt Nam đã thực sự tạo tác động khi Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới, theo Báo cáo Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).
Năm 2024, Gaia đã trồng thành công 292.729 cây tại 7 khu rừng đầu nguồn trên cả nước và 6 trường học tại TPHCM.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cho biết, việc quyết liệt trồng rừng để khôi phục sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và chuẩn bị cho những tiềm năng như về tín chỉ carbon rừng, tín chỉ đa dạng sinh học và khai thác những giá trị khác của rừng ngoài gỗ nhưng bên cạnh số lượng, chất lượng chương trình trồng rừng luôn cần được quan tâm.
"Để trồng rừng hiệu quả đòi hỏi kế hoạch trồng, chăm sóc, giám sát và lập báo cáo minh bạch rõ ràng để đảm bảo tỷ lệ sống của khu rừng, đặc biệt trong bối cảnh việc trồng rừng dần trở thành xu hướng và được xã hội hóa mạnh mẽ" - bà Huyền nói.
Cũng theo bà Huyền, thời gian qua, Gaia rất tập trung vào tính hiệu quả của việc triển khai trồng rừng.
"Chúng tôi chỉ trồng ở các khu rừng đầu nguồn có giá trị sinh thái lớn và được bảo vệ nghiêm ngặt như các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn. Các chương trình đều được lên kế hoạch tỉ mỉ với sự phối hợp của các Ban quản lý Vườn quốc gia và Khu bảo tồn để xác định khu vực đất cần phục hồi, loài cây và nguồn cây bản địa phù hợp", bà Huyền khẳng định.
Đặc biệt, tùy theo khu rừng mà Gaia sẽ chăm sóc, giám sát trong 2-6 năm. Các báo cáo rừng được công khai trên các nền tảng mạng xã hội với đầy đủ số liệu và hình ảnh.
"Hơn thế nữa, khi truyền thông chúng tôi luôn tập trung vào sự thật, tránh các hiện tượng tẩy xanh (greenwashing) để đảm bảo cộng đồng và đối tác đều có được thông tin đúng và hữu ích" - bà Huyền nói thêm.
Thời gian qua, Gaia cũng triển khai nhiều giải pháp giúp phục hồi 4 khu vực rừng nghèo bao gồm khu vực đất trống dọc theo tuyến đường Cam Lộ - La Sơn nối liền Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế; khu vực xung quanh thủy điện Rào Trăng 3; khu vực đường tuần tra rừng, ranh giới giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và khu dân cư; và khu vực trồng rừng phục hồi sau khai thác keo.
Nguồn giaoducthoidai.vn
Link bài gốchttps://giaoducthoidai.vn/trong-thanh-cong-gan-300000-cay-xanh-tren-7-khu-rung-dau-nguon-post713487.html