Khu vực đầm Cù Mông cá chết nổi lên mặt nước.
Theo thống kê của UBND thị xã Sông Cầu (tính đến 13 giờ ngày 20/5), vùng nuôi trồng thủy sản đầm Cù Mông có khoảng 160 hộ nuôi bị thiệt hại (chủ yếu người dân xã Xuân Thịnh) với số lượng gần 62 tấn tôm hùm và gần 30 tấn cá nuôi bị chết. UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật để hạn chế thiệt hại.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khu vực vùng nuôi trồng thủy sản ở đầm Cù Mông (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) người nuôi thủy sản vẫn đang tiếp tục vận chuyển tôm, cá bị chết từ lồng nuôi vào bờ để bán với hy vọng vớt vát lại vốn đã đầu tư…
Gia đình ông Lê Văn Cư ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh thả nuôi hơn 7.000 con tôm hùm xanh. Thời gian nuôi đến nay đã được 6 - 7 tháng, trọng lượng khoảng 0,25 - 0,3 kg/con. Tôm đang sinh trưởng tốt thì bắt đầu có hiện tượng chết từ ngày 18/5. Đến sáng 20/5, tất cả tôm nuôi của gia đình ông Cư đã chết hết không còn một con nào… Khi tôm bắt đầu chết, nước ở vùng nuôi có hiện tượng chuyển màu, trên mặt nước bạc trắng và bốc mùi hôi thối.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Châu Thanh Thiên Lý ở xã Xuân Thịnh cho biết, gia đình nuôi hơn 100 lồng tôm hùm xanh, mỗi lồng khoảng 150 - 200 con. Toàn bộ số tôm nuôi đã chết không còn con nào. Tôm có trọng lượng từ 0,3 kg/con trở lên bị chết nếu còn tươi thì bán được 350.000 - 400.000 đồng/kg, còn lại bị ươn thì dưới 100.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ bán được 10.000 đồng/kg.
Thương lái phân loại tôm hùm chết để thu mua.
Không chỉ tôm hùm mà các loại cá biển nuôi lồng bè và tôm, cá tự nhiên ở khu vực vùng nuôi xã Xuân Thịnh thuộc đầm Cù Mông cũng bị chết. Tại đây, xác tôm cá chết trôi nổi lềnh bềnh trắng mặt nước và bốc mùi hôi thối…
Theo ông Lê Văn Trong ở xã Xuân Thịnh, gia đình ông nuôi hơn 15.000 con cá mú, đến nay, cá đạt trọng lượng khoảng 1,5 - 2 kg/con và khoảng 25.000 con tôm hùm xanh đạt trọng lượng khoảng 0,3 kg/con. Do tôm, cá chết quá nhanh nên gia đình không kịp trở tay. Cá, tôm chết đưa vào bờ bán được đồng nào hay đồng đó chứ không mong có lãi…
Theo UBND thị xã Sông Cầu, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn có gần 100.000 lồng nuôi thủy sản các loại, trong đó tôm hùm hơn 90.000 lồng. Riêng số lượng lồng nuôi tôm hùm ở khu vực đầm Cù Mông khoảng 30.000 - 40.000 lồng.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên (giữa) kiểm tra vùng nuôi tôm hùm bị thiệt hại.
Trước tình trạng tôm hùm, cá nuôi ở đầm Cù Mông bị chết hàng loạt, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước tại các khu vực của vùng nuôi để đưa đi xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây tôm, cá chết hàng loạt. Trước mắt, người nuôi được khuyến cáo di dời tạm thời số lồng bè thủy sản nuôi ở đây sang vùng nuôi khác nhằm hạn chế thiệt hại. Chính quyền địa phương cần khẩn trương thu dọn, xử lý xác thủy sản nuôi bị chết trôi nổi trên đầm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trương tại khu vực này…
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu, các cơ quan chuyên môn phải sớm lấy mẫu, xác định nguyên nhân gây ra tôm hùm, cá nuôi bị chết. Cùng với đó, phải đánh giá cụ thể khả năng lây lan, có các giải pháp cụ thể nhằm khuyến cáo cho người nuôi và hạn chế thấp nhất thiệt hại. Chính quyền địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, có giải pháp hỗ trợ người nuôi tiêu thụ số thủy sản nuôi bị chết có thể tiêu thụ được…
Theo Xuân Triệu (TTXVN)
Nguồn suckhoedoisong.vn
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/tom-hum-ca-chet-hang-loat-tai-thi-xa-song-cau-169240521063413357.htm