Nợ gốc 8,5 triệu, lãi phát sinh 8,8 tỷ đồng
Mới đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền công văn nhắc nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC). Theo nội dung công văn, Eximbank AMC thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về khoản nợ trị giá trên 8,83 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chỉ 8,55 triệu đồng.
Thông tin trên khiến nhiều người tò mò, thậm chí kinh ngạc khi thấy “lãi mẹ đẻ lãi con” cao “ngất ngưởng” nên tốc độ chia sẻ càng được đẩy lên cao.
Công văn nhắc nợ được Eximbank AMC gửi đến khách hàng P.H.A
Chia sẻ với báo giới, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) xác nhận thông tin lan truyền trên mạng xã hội là chính xác. Theo nội dung Eximbank cung cấp, khách hàng P.H.A thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Khách hàng này đã phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch.
Sau đó khách hàng không thanh toán khoản nợ đã phát sinh nên từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Từ đó đến nay, Eximbank đã thực hiện các thủ tục để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A theo quy định. Qua đó cho thấy, không có chuyện khách hàng “quên” đóng lãi như mạng xã hội lan truyền.
Cụ thể, ngày 16/9/2013, Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Ngày 12/12/2017, khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Đến ngày 23/12/2017, Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán, đồng thời đề nghị ông P.H.A có phương án thanh toán khoản nợ cho ngân hàng.
Ngày 19/8/2021, Eximbank AMC theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A. Đến ngày 10/5/2022, Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông P.H.A để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ. Ngày 8/11/2023, Eximbank AMC tiếp tục có Công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi ông P.H.A để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện xử lý khoản nợ nêu trên.
“Đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ”, Eximbank cho hay.
Về công văn nhắc nợ đang được lan truyền trên mạng xã hội, Eximbank khẳng định, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Mấu chốt của câu chuyện này là số tiền lãi phát sinh hơn 8,8 tỷ đồng, Eximbank khẳng định phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
“Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ”, ngân hàng cho biết.
Thẻ tín dụng là một trong những giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Ảnh minh họa
Khách bức xúc “không hề vay tiền”, sẽ theo sự vụ đến cùng
Sau khi sự việc khuấy đảo mạng xã hội, chủ nhân của khoản nợ 8,8 tỷ đồng cũng lên tiếng. Anh P.H.A (trú TP. Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, bản thân không hề vay tín dụng số tiền 8,5 triệu đồng tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.
Theo anh P.H.A, năm 2012, qua một người bạn nên anh nhờ một nam nhân viên tên G. làm việc tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh làm cho một thẻ tín dụng nhưng thực tế sau đó không hề nhận được tấm thẻ này.
“Ngày xưa làm thẻ thì khách hàng hay ký trước. G. khi đó đưa cho tôi hồ sơ mở thẻ để ký và khoảng 1-2 tuần sau thì gọi tôi ra trụ sở chi nhánh, nhưng lại không vào trong mà kêu tôi đứng ở ngoài cửa để G. ra và đưa cho hồ sơ nhận thẻ để ký. Khi tôi ký xong, G. có đưa cho thẻ ngân hàng thường. Đồng thời, G. nói thêm vì lương của tôi được khoảng 5 triệu đồng đang thấp quá nên phải xin thêm ý kiến sếp, khả năng là được và hẹn sẽ liên lạc lại. Nhưng sau đó người này cũng không liên lạc lại nữa, tôi nghĩ chắc không làm được nên cũng thôi”, anh P.H.A nhớ lại.
Theo anh P.H.A, bẵng đi sau hơn 4 năm (đến năm 2017), khi đó anh có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì mới “tá hỏa” biết bản thân đang có nợ xấu bên Eximbank. Vì vậy, anh chủ động đến Chi nhánh Eximbank Quảng Ninh để xác minh và Ban giám đốc chi nhánh ngân hàng thông báo trách nhiệm là của anh P.H.A. do đã ký nhận thẻ.
Quá bất ngờ, anh H.A yêu cầu được xem lại hồ sơ mở thẻ tín dụng và sao kê chi tiết. Trong nội dung sao kê, thẻ tín dụng của anh H.A đã từng vay tiền để mua một chiếc điện thoại với giá hơn 9 triệu đồng. Theo anh H.A, chữ ký trong sao kê không giống chữ ký của mình trong hồ sơ mở thẻ. Hơn nữa, trong sao kê ngân hàng, có 2 lần đã trả lãi trong vòng 2 tháng, việc này anh H.A khẳng định không biết.
Một điều nữa, trong hồ sơ mở thẻ có 2 số điện thoại, một của anh P.H.A và một số lạ khác. “Khi đó tôi có hỏi tại sao khi phát sinh lãi và nợ lãi lại không thông báo cho tôi ngay? Trong hồ sơ mở thẻ tại sao lại có thêm một số điện thoại không phải của tôi, được ghi bên cạnh số điện thoại của tôi? Phía ngân hàng trả lời có liên lạc theo số điện thoại không phải của tôi và không liên lạc được. Tôi hỏi tại sao không liên lạc bằng số điện thoại còn lại mà tôi vẫn đang dùng thì ngân hàng không trả lời được. Tôi hỏi thêm tại sao địa chỉ nhà tôi có nhưng cũng không gửi thông báo về địa chỉ này. Để tận hơn 4 năm sau, khi có nhu cầu vay vốn thì tôi mới là người phát hiện và tôi là người chủ động đến ngân hàng làm việc. Ngân hàng không có bất kỳ thông báo nào, như thế khác gì bao che cho nhân viên cũ, ép khách hàng vào thế khó, chịu thiệt”, anh P. H.A bức xúc nói.
Bên cạnh đó, theo đơn đăng ký mở thẻ tín dụng năm 2013 được anh P.H.A chụp lại từ phía Eximbank, đơn này không được điền địa chỉ email khách hàng, phương thức thanh toán tiền hàng tháng điền trên đơn là bằng tiền mặt, không có hình thức thanh toán bằng tài khoản. Đồng thời, đơn mở thẻ tín dụng có ghi “Khách hàng không nhận sao kê hàng tháng”.
Trong khi đó, để đảm bảo an toàn khi mở thẻ tín dụng, khách hàng luôn được khuyến cáo nhận thông báo biến động số dư qua tin nhắn cũng như có hình thức thông báo sao kê hàng tháng qua tin nhắn, email hoặc qua ứng dụng ngân hàng.
Cũng theo anh P.H.A, khi đó bản thân đã đưa ra phương án xử lý là chấp nhận khắc phục hậu quả bằng việc trả lại tiền gốc 10 triệu đồng trong thẻ tín dụng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt, mặc dù số tiền này bản thân anh P.H.A không hề được tiêu và cũng không biết có sự tồn tại của thẻ tín dụng này hay không. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đồng ý, khăng khăng ép phải thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi khi đó lên tới hơn 63 triệu đồng.
“Không được tiêu tiền xong tự nhiên phải bỏ ra hơn 63 triệu đồng thì tôi không chấp nhận. Như thế là ngân hàng không bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là tôi, mà lại đi bao che cho nhân viên cũ”, anh P.H.A nói thêm.
Từ năm 2016 đến nay, phía Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh và anh P.H.A đã gặp trực tiếp rất nhiều lần để giải quyết nhưng không có tiếng nói chung.
Anh P.H.A cho biết thêm, phía ngân hàng yêu cầu về địa phương xin xác nhận một đơn nội dung không có khả năng chi trả. Anh P.H.A không đồng ý với lý do nếu xin đơn đó thì đồng nghĩa với việc anh P.H.A là người lừa đảo.
Nói thêm về quan điểm giải quyết vụ việc này, anh P.H.A cho biết, trong lần làm việc cuối cùng vào khoảng giữa năm 2022 tại nhà anh với đại diện ngân hàng, thì bản thân cũng đã đề nghị làm rõ dấu hiệu lừa đảo khách hàng của nhân viên tên G. và sẵn sàng theo đến cùng sự việc.
Cũng theo anh P.H.A, phía ngân hàng cũng không cho anh biết phương thức tính lãi ra sao khi từ 8,5 triệu mà lên tới hơn 8 tỷ đồng. “Năm 2023, phía Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh có gửi công văn nhắc nợ tới tôi với số tiền phải trả là hơn 8,8 tỷ đồng, nếu không trả sẽ bị khởi kiện. Tôi cũng muốn làm rõ việc này vì bản thân không biết thẻ tín dụng đó tồn tại và việc ai dùng thẻ đó để vay tiền rồi bắt tôi chịu trách nhiệm”, anh P.H.A cho hay.
Thanh tra ngân hàng vào cuộc
Liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, đã có văn bản yêu cầu Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về vụ việc.
Theo đại diện Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, hiện Eximbank Quảng Ninh đang chờ phía Hội sở của Eximbank tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ các thông tin liên quan đến khách hàng trên cũng như quá trình phát sinh dư nợ để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh. Bởi khách hàng trên vay nợ từ Eximbank Quảng Ninh, nhưng những khoản nợ xấu không phải chi nhánh tại Quảng Ninh quản lý, mà do hội sở trực tiếp quản lý.
Cách tính lãi suất và phí phạt thẻ tín dụng mà ít người để ý
Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, có nhiều loại lãi suất thẻ tín dụng khách hàng cần lưu ý khi sử dụng loại thẻ này để tránh phát sinh nợ quá hạn, tránh mất tiền… như khách hàng ở Quảng Ninh nói trên.
Theo đó, thẻ tín dụng là một trong những giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45 - 55 ngày.
Hết thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê) là thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.
Trường hợp chủ thẻ chọn thanh toán dư nợ tối thiểu (khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê) sẽ không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20% - 40%/năm (tùy ngân hàng) và sẽ được cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp.
Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán đủ dư nợ tối thiểu trong 1 kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng, sẽ bị tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ cộng thêm phí chậm trả.
Cụ thể, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ (tối thiểu là 100.000 đồng, tùy theo quy định của ngân hàng) và lãi suất quá hạn lên đến 20 - 40%/năm, số tiền sẽ được tính tùy theo số ngày quá hạn.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: Số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc).
Ngoài những lãi suất kể trên, sử dụng thẻ tín dụng khách hàng còn có thể phải chịu thêm nhiều loại lãi suất khác như: Lãi suất thẻ tín dụng khi rút tiền mặt. Khi sử dụng tính năng rút tiền mặt tại các ATM, khách hàng sẽ chịu một khoản phí áp trên số tiền đã rút, dao động từ 3% - 5% tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Lãi suất chuyển đổi ngoại tệ: Khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng tại các quốc gia khác ngoài lãnh thổ Việt Nam, sẽ chịu một khoản phí trên mỗi giao dịch phát sinh chuyển đổi ngoại tệ. Khoản phí này dao động từ 2% - 4% tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Lãi suất chuyển đổi trả góp: Khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng đối với giao dịch mua hàng trả góp, thẻ tín dụng phải chịu lãi suất chuyển đổi trả góp. Biểu phí lãi suất có thể thay đổi theo quy định của từng ngân hàng. Do đó, khách hàng cần nắm rõ biểu phí trước khi giao dịch hoặc liên hệ ngân hàng phát hành để được tư vấn chi tiết. Hiện nay mức lãi suất chuyển đổi trả góp thẻ tín dụng dao động từ 0,8% - 1,3%/năm.
Ngân Thương
Nguồn Báo Công thương
Link bài gốchttps://congthuong.vn/toan-canh-vu-vay-no-the-tin-dung-85-trieu-bi-doi-88-ty-dong-308772.html