Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 77% dự toán; thu nội địa ước đạt 61,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thống kê cho thấy, có 12/18 khoản thu, sắc thuế thu đạt khá (trên 60%). Hầu hết khoản thu, sắc thuế đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Tổng cục Thuế, kết quả trên cho thấy sự nỗ lực của toàn hệ thống thuế trong việc thực hiện phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019. Ngành Thuế đã giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu năm; giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết đến từng phòng quản lý, từng chi cục thuế, từng công chức thuế theo từng tháng, từng quý.
Cũng theo Tổng cục Thuế, trong công tác thanh tra, kiểm tra, đến ngày 31/7, toàn hệ thống thuế đã thực hiện được 42.784 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra được 219.318 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra ước đạt trên 24.237 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 6.724 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 1.105 tỷ đồng; giảm lỗ gần 16.407 tỷ đồng.
Đáng chú ý, toàn hệ thống thuế đã thanh tra được 214 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra là hơn 6.748 tỷ đồng. Trong đó truy thu, truy hoàn và phạt gần 838 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 2.774 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 11,8 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 3.124 tỷ đồng. Thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu hơn 236 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.088 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.942 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 31/7/2019 là 83.158 tỷ đồng. Số nợ này giảm 5,7% (tương đương gần 5.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 0,3% so với thời điểm 30/6/2019. Trong đó, tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (tức nợ thuế có khả năng thu) là 44.148 tỷ đồng. Số này chiếm tỷ trọng hơn 53% tổng số tiền nợ, giảm 16,9% (tương đương gần 9.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng cục Thuế, các khoản nợ thuế, phí là 16.539 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% tổng số tiền thuế nợ, giảm 38,8% (tương đương gần 10.500 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018. Các khoản nợ liên quan đến đất là 10.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,1% tổng số tiền nợ thuế. Các khoản nợ do phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp là 16.678 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng số tiền nợ thuế.
Tổng cục Thuế cho biết, số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) đã lên tới 39.010 tỷ đồng. Số nợ này chiếm tỷ trọng 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% (tương đương 3.992 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018, tăng 0,3% so với thời điểm 30/6/2019.
Theo Tổng cục Thuế, số nợ thuế đến thời điểm này đã tăng 8,9% so với thời điểm cuối năm 2018 do một số người nộp thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc liên quan đến trách nhiệm hình sự…Chính vì vậy đã làm gia tăng số nợ thuế không có khả năng thu hồi. Đồng thời, số nợ không có khả năng thu hồi này vẫn đang phải chịu mức tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày. Do vậy, số nợ vẫn tăng lên từng ngày.
Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý kê khai thuế đối với người nộp thuế, đảm bảo 100% các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai nộp thuế. Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật.
Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cục thuế đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, phấn đấu thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 19% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Xây dựng hệ thống giám sát thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử.
Ngoài ra, để kiểm soát nợ thuế, Tổng cục Thuế đã liên tục đề ra các giải pháp quyết liệt, chỉ đạo sát sao đến từng đơn vị. Tổng cục Thuế đã thực hiện nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức trong việc thu hồi nợ thuế; đồng thời tiếp tục đánh giá, phân loại, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp; thực hiện triệt để các biện pháp thu hồi nợ thuế như: Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, thu hồi giấy phép kinh doanh, công khai thông tin người nợ thuế…/.