Hai xã Hang Kia và Pà Cò nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 180km, cách trung tâm huyện Mai Châu khoảng 30 km. Nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch quanh năm, nhưng hai xã chưa phát huy được các thế mạnh để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng đó.
Thổ cẩm là nghề truyền thống nổi tiếng của Hang Kia, Pà Cò
Với tiềm năng vốn có, nằm đan xen giữa khu bảo tồn thiên nhiên, lại ở độ cao hơn 1000 m so với mực nước biển nên Hang Kia, Pà Cò có khí hậu mát mẻ chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Hang Kia và Pà Cò chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây còn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hoá cũng như các nghề truyền thống của người Mông như: dệt thủ công, thêu thùa thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn…
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm: Trong số các nghề truyền thống, Hang Kia, Pà Cò nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm. Các mặt hàng thổ cẩm của Pà Cò đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Ẩm thực của người Mông cũng là nét độc đáo khiến du khách không thể cầm lòng khi đến đây như: rượu ngô, thắng cố, bánh dày, mèn mén, rau cải mèo,…
Ngoài ra, Pà Cò còn có nhiều địa điểm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: Những con đường quanh co, uốn lượn men theo triền núi; những vườn mận, vườn đào; những đồi chè xanh ngút ngàn tầm mắt hay buổi chợ phiên rực rỡ sắc màu của đồng bào Mông. Khung cảnh nên thơ của núi rừng, không khí tinh sạch, yên ắng, tĩnh lặng hòa cùng nhịp sống bình yên của những bản làng nhỏ giữa lưng chừng núi như níu chân du khách. Từ năm 2018 đến nay, Pà Cò đã đón trên 5.000 lượt khách đến tham quan quan nghỉ dưỡng trong đó khách quốc tế chiếm trên 60%.
Những bản sắc văn hóa độc đáo của Hang Kia, Pà Cò
được trình diễn tại Hội nghị
So với các địa phương ở Mai Châu, xã Hang Kia có địa hình khá đa dạng chủ yếu là đồi núi cao liên tiếp, độ dốc lớn. Toàn xã có diện tích tự nhiên trên 2.348 ha, với 677 hộ và 3.658 nhân khẩu. Xen kẽ giữa khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò có các thung lũng nhỏ với những điểm du lịch mát mẻ, địa hình bằng phẳng, nơi đồng bào Mông tập trung sinh sống, sản xuất. Hang Kia đã đón khách du lịch từ những năm 1990 và được khách du lịch quốc tế đặc rất yêu thích. Hiện tại, xã có 4 hộ gia đình hoạt động mô hình du lịch cộng đồng, năm 2018 xã đón khoảng gần 6.000 khách, chủ yếu là khách quốc tế.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch quanh năm, nhưng hai xã Hang Kia, Pà Cò vẫn chưa phát huy được các thế mạnh để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, do vậy, việc thu hút các nhà đầu tư lớn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi diện mạo và cơ cấu kinh tế cho hai xã này là việc làm cần thiết và cấp bách của tỉnh Hoà Bình.
Để khai thác tiềm năng và thu hút đầu tư phát triển du lịch ở hai xã, tại Hội nghị, các đại biểu, đại diện các đơn vị chức năng, các cơ quan lữ hành du lịch… đã đề ra nhiều giải pháp và xác định rõ phát triển các loại hình du lịch nơi đây, đó là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, mạo hiểm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, để thu hút đầu tư vào Hang Kia - Pa Cò, Hòa Bình cần xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư du lịch tại hai xã, đồng thời lập các dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng và hỗ trợ quảng bá tiềm năng, hình ảnh, sản phẩm du lịch của hai xã Hang Kia, Pà Cò trong các chương trình liên hoan, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra cần tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư du lịch chuyên đề Tổ chức chương trình, mời các đoàn Famtrip và Presstrip trong và ngoài nước để khảo sát, xây dựng sản phẩm và viết bài giới thiệu, quảng bá về du lịch tại hai xã Hang Kia, Pà Cò.
Để lan tỏa các tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo nơi đây, Hòa Bình cần tích cực vận động tuyên truyền người dân địa phương giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo tồn kiến trúc làng bản, nâng cao nhận thức và thực hiện giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường…/.