Theo đó, trong tháng 2 vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát nghiêm trọng. Tâm lý lo sợ rủi ro khiến vàng có thời điểm tăng lên sát 1.700 USD/oz - mức đỉnh của 7 năm trong khi chỉ số DXY cũng lên sát mốc 100, đi ngược với quy luật USD tăng thì giá vàng giảm thông thường.
Các thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế khiến Mỹ trở thành điểm sáng và USD được giới đầu tư lựa chọn là 1 kênh trú ẩn. Tuy vậy, trong tuần cuối tháng 2, dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại Mỹ khiến giá USD hạ nhiệt nhanh và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đồng loạt giảm mạnh về vùng thấp lịch sử. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng cao hơn khá nhiều lợi tức các kỳ hạn 10 năm trở xuống, đường cong lợi tức dịch chuyển xuống 1 đoạn dài (30-40bps) và tiếp tục tình trạng đảo ngược.
Cũng theo báo cáo, Yen (JPY) của Nhật đã lấy lại vị trí đồng tiền trú ẩn hàng đầu khi tăng 0,54% so với tháng trước, trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD. Giảm mạnh nhất là RUB của Nga (-4,52% so với tháng trước và 7,92% cùng kỳ năm trước), THB của Thái Lan (-0,98% và 5,97%) và KRW của Hàn Quốc (0,37% và 3,82%).
“Đây đều là những nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề do giá dầu, dịch vụ, du lịch giảm. Trong bối cảnh đó, Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc chỉ giảm 0,042% so với tháng trước và 1,17% so với cùng kỳ năm trước nhờ những nỗ lực kích thích nền kinh tế của Chính phủ và dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát”, báo cáo nhận định.
Cũng theo báo cáo này, nới lỏng tiền tệ tiếp tục được sử dụng như một biện pháp để kích thích kinh tế. Một câu hỏi lớn là dịch bệnh sẽ còn lây lan đến mức nào khi mà nhiều nước vẫn còn chưa triệt để kiểm soát? Kinh tế toàn cầu đang đứng trước rủi ro lớn và vì vậy thị trường tài chính tiền tệ sẽ tiếp tục tiềm ẩn những biến động khó lường.
Báo cáo này cho hay, kinh tế Việt Nam cũng đang phải gồng mình khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang là tâm dịch. Sự suy giảm từ cả phía cầu lẫn phía cung đang tạo sức ép lớn đến tăng trưởng nhưng bài học từ cuộc khủng hoảng 2008 vẫn còn nóng hổi nên Chính phủ và NHNN vẫn nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.
Thực tế, kể từ tuần giáp Tết Âm lịch 2020 đến nay, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền khỏi lưu thông. Số dư tín phiếu đã lên tới 120.000 tỉ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 7.2018 đến nay. Thông qua thị trường mở, NHNN đã hút ròng gần 95.000 tỉ đồng trong tháng 2, tương đương với lượng tiền VND đã bơm ra thị trường qua các giao dịch mua ngoại tệ trong tháng 1.2020.
Thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn khá dồi dào, lãi suất các kỳ hạn giảm mạnh trong tuần đầu và duy trì ở mức thấp trong cả tháng 2, chốt tháng ở mức 2,25%/năm. Với định hướng hiện tại, lãi suất trên liên ngân hàng nhiều khả năng vẫn dao động ở vùng hiện tại trong tháng 3 này.
NHNN tập trung vào các giải pháp cụ thể như yêu cầu các NHTM không được tăng lãi suất; rà soát đánh giá để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ… với các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Nhiều NHTM như BIDV, VCB, HDBank, ABBank, ACB… đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm.
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 2.2020 của Chính phủ ngày 3.3, Thủ tướng đã công bố sẽ tung ra gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỉ đồng lãi suất thấp và gói hỗ trợ tài khóa (hoãn, giãn về tài chính) gần 30 nghìn tỉ đồng.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã và sẽ giảm đáng kể trong khi đó lãi suất huy động hiện vẫn không có nhiều thay đổi. Lãi suất tiền gửi điều chỉnh giảm từ 10-30bps ở một số ngân hàng (BID, VPB) ở cả kỳ hạn ngắn và dài hạn nhưng hầu hết vẫn giữ ổn định ở mức 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,2%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, kết hợp với khả năng giãn lộ trình đáp ứng các tỷ lệ an toàn, lãi suất tiền gửi có khả năng giảm trong những tháng tới.
Lam Thanh