Ít ngày trước, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết: “Không có tiền để duy trì hoạt động tuần đường, gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng chạy tàu đường sắt quốc gia vào tháng 3 tới”.
Báo Giao thông hôm 24.2 cho biết đường sắt Việt Nam đã xây dựng kế hoạch lỗ hơn 160 tỉ trong năm 2020 nhưng con số này khả năng tiếp tục tăng khi tình hình kinh doanh ngày một xấu đi.
Khổ cho đường sắt quá. Bao năm qua một mình một đường theo đúng nghĩa đen, chẳng phải cạnh tranh với ai trên con đường bằng sắt. Một mình đi trên đường như thế thì chắc hẳn chẳng bị xô đẩy cạnh tranh gì thì cớ sao lại toang đến mức chưa kinh doanh đã phải lên kế hoạch lỗ hàng trăm tỉ? Buồn vì thua thiệt ở góc độ kinh tế nhưng ta lại thắng ở giá trị bảo tồn, càng nâng tầm thế mạnh của đường sắt nước ta.
Trong thời đại hối hả như hiện giờ mà chạy từ bắc vô nam mất cả ngày rưỡi thì quá chậm trong khi đi máy bay giá rẻ hơn lại chỉ mất chưa đầy 2 tiếng. Nhưng đường sắt lại thu hút được nhiều khách Tây ở những nước mà đường sắt có tàu chạy mấy trăm cây số mỗi giờ. Khách Tây chẳng mê gì mấy tàu cao tốc ở quê nhà mà chỉ muốn trải cảm giác trở về thời quá khứ vốn chỉ còn trong phim ảnh nước họ. Họ rất thích thú với công tác bảo tồn của đường sắt Việt Nam. Họ thích từ cái mùi khó tả trong toa tàu đến cả những âm thanh va đập trên tàu đậm chất tự nhiên. Việc ngồi trên con tàu với khổ đường sắt 100cm băng qua núi qua khe mang cho du khách cảm giác lâng lâng khó tả mà khổ đường sắt 1,435 mét theo chuẩn thế giới hiện giờ không thể có được.
Nếu nhát không dám đi tàu thì có thể ra mấy quán cà phê đường tàu ngoài Hà Nội để hồi hộp ngắm những con tàu là đặc sản của Việt Nam. Phấn khích vô cùng, hơn cả cảm giác đi tàu lượn siêu tốc.
Người Pháp – nơi có vô số bảo tàng càng phải cảm kích đường sắt chúng ta. Họ xây đường sắt có đoạn trên trăm năm mà nay ta vẫn dùng tiếp. Thử hỏi ở đâu có được công trình đường sắt lâu đời mà sống động như ta đâu. Họ sẽ phải khâm phục tính tiết kiệm của ngành đường sắt nước ta khi cứ dùng hoài con đường ray cũ chứ ở nước khác thì thứ này bị dẹp từ lâu rồi.
Lăng Cô