Tại thành phố Hồ Chí Minh, sau một thời gian phát triển “nóng”, lượng căn hộ chung cư đã nhiều hơn so với nhu cầu thực tế của người dân. Vì vậy, dù trong 2-3 năm qua có rất ít dự án xây dựng mới, nhưng nguồn cung căn hộ tại thành phố này vẫn khá dồi dào. Còn tại Hà Nội, trong 2 năm qua, chỉ có khoảng 40 dự án chung cư được xây dựng, trong khi nhu cầu của khách hàng thì ngày càng tăng lên, nên hàng cứ ra đến đâu là hết đến đó. Do thiếu nguồn cung, nên hầu hết các giao dịch hiện nay đều là mua qua bán lại. Nếu như giá căn hộ chung cư tại quận Long Biên, Hoàng Mai hay Nam Từ Liêm cách đây một năm có giá khoảng 35 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 50 triệu đồng/m2.
“Hiện nay, cầu vượt cung gấp nhiều lần. Đối với những chung cư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được đưa vào khai thác là những sản phẩm tiện ích, người mua nhà có thể ở hoặc sử dụng cho thuê luôn, rất an toàn với người mua. Do sự chênh lệch cung cầu tăng đột biến nên tạo ra đà tăng sản phẩm. Theo quan điểm của tôi thì đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá chung cư thời gian gần đây”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phương Đông cho biết.
Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng
Theo số liệu mới cập nhật của kênh thông tin Batdongsan.com.vn, lượng tìm kiếm chung cư tại Hà Nội đang ở mức đỉnh so với năm 2023. Quận được nhiều người quan tâm nhất là Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và một số quận vùng lõi của Thủ đô. Mặc dù nhu cầu của người dân là rất cao, nhưng việc bất động sản tăng mạnh trong một thời gian ngắn là dấu hiệu bất thường. Ngoài chung cư, một số phân khúc bất động sản khác cũng rục rịch tăng theo. TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đang có hiện tượng đầu cơ. Hầu hết những biến động đó tập trung ở những nơi đang có quy hoạch hoặc những dự án lớn về phát triển đô thị. Trên thực tế, dù kinh tế nước ta đang phục hồi, nhưng hầu hết các kênh đầu tư còn khó khăn.
“Thị trường đang có dấu hiệu đầu cơ khi giá một số phân khúc tăng cao như chung cư hay đất nền, thậm chí một số bất động sản có giá trị lớn như biệt thự, shophouse. Tôi cho rằng đang có những vấn đề liên quan đến đầu cơ và tâm lý trên thị trường bất động sản”, TS.Vũ Đình Ánh lo ngại.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc đầu tư vào bất động sản khi giá đang ở mức cao như thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều đáng quan tâm nhất là tính pháp lý của sản phẩm. Khi tham gia giao dịch, người có nhu cầu mua đất nên tìm hiểu kỹ dự án và tránh phụ thuộc vào người môi giới.
“Giá bất động sản tăng cao, hình thành một mặt bằng giá mới. Chỉ có những doanh nghiệp có những lô đất nợ thế chấp nợ ngân hàng, buộc phải bán tháo để trả nợ để tránh nợ xấu hoặc những cá nhân quá khó khăn nên chấp nhận giảm giá để bán. Nhưng số đó cũng không ảnh hưởng đến phần đông còn lại. Hiện nay, giá bất động sản vẫn ở mức cao và thị trường thiếu tính thanh khoản”, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích.
Hiện nay, dù các luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản đã được sửa đổi và Quốc hội đã thông qua, nhưng trên thực tế, hoạt động của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản còn rất khó khăn. Ngoài khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, quan trọng nhất là từ các tổ chức tín dụng, thì vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án cũng là phổ biến. Theo thống kê, nếu sớm được tháo gỡ về pháp lý, thì tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 300 dự án có thể sớm được triển khai, giúp thị trường có thêm nguồn cung căn hộ.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học Viện tài chính cho rằng, giải pháp trước mắt cần hướng đến các dự án, các doanh nghiệp có năng lực thực sự, để sớm đưa các sản phẩm bất động sản ra thị trường, góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế: “Việc xem xét giúp cho thị trường bất động sản phải nhắm vào dự án sắp hoàn thành và có thể đưa hàng hóa ra thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ khó tồn tại thì việc hỗ trợ phải có sự hỗ trợ của các quỹ của ngành nghề khác chứ không thể hỗ trợ vốn của Nhà nước trong thời điểm này”.
Hiện nay, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trực thuộc Trung ương đang hoạt động rất tích cực. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương là rất quan trọng.
Nguồn Vov.vn
Link bài gốchttps://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/thao-go-vuong-mac-phap-ly-cho-cac-du-an-chung-cu-tang-nguon-cung-ra-thi-truong-post1083432.vov