Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, phát triển ngành công nghiệp khoáng sản là yêu cầu tất yếu của các nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu phát triển hợp lý, ngành công nghiệp khoáng sản sẽ phát huy được nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra công tác BVMT trong khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là tài sản quan trọng phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Mặc dù vậy, trong quá trình khai thác, hoạt động này gây ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội như: Làm mất đi thảm thực vật; thay đổi cảnh quan sinh thái; xói mòn đất canh tác, phát thải làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn không khí. Bên cạnh đó còn có nguy cơ gây ra các sự cố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người. Do đó việc khai thác khoáng sản hợp lý và bền vững đang là thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý của các ngành và địa phương.
Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề này, Đảng và Chính phủ đã đề ra những chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, nhằm định hướng hoạt động khai thác khoáng sản một cách phù hợp, hiệu quả và bền vững. Theo Điều 67, Luật Bảo vệ môi trường: Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường; thu gom xử lý nước thải theo quy định; thu gom xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn; có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về khoáng sản; ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật Bảo vệ môi trường.
Đối tượng khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm: Dự án đầu tư khai thác khoáng sản; cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt; cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hoá chất độc hại trong thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ, chế biến khoáng sản phải được đánh giá tác động môi trường, khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản có chất phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về an toàn hoá chất, năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối tượng kiểm tra là 67 cơ sở khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh minh hoạ)
Tại Thanh Hóa, ngày 10/4/2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đối tượng là các cơ sở khai thác, chế biến đá (đá vôi, đá spirit, đá bazan, đá sét) làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn (gồm 67 cơ sở). Thời gian Từ tháng 5/2024 đến hết tháng 11/2024.
Mục đích nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn; đưa ra các giải pháp xử lý nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Kế hoạch cũng yêu cầu trong công tác kiểm tra phải thực hiện khách quan, nghiêm túc, đúng nội dung, tiến độ theo kế hoạch; việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không trùng lặp, không gây khó khăn, phiền hà, làm cản trở hoạt động của cơ sở được kiểm tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/6/2017 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Về nội dung kiểm tra: Kiểm tra các hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường có liên quan như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, báo cáo công tác bảo vệ môi trường; kiểm tra thực tế việc thực hiện các nội dung, các cam kết theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau kiểm tra của các cơ sở ban hành năm 2021, 2022, 2023; đảm bảo các kết luận, quyết định xử lý được thực hiện nghiêm, đúng quy định; lấy mẫu nước thải sau xử lý, không khí xung quanh khu vực khai thác để đánh giá hiệu quả của các biện pháp xử lý chất thải của cơ sở khai thác khoáng sản được kiểm tra; kiến nghị các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo quy định; lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra tại các cơ sở.
Đình Đông
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-bai-1-muc-dich-viec-kiem-tra-cong-tac-bvmt-tai-cac-mo-khai-thac-da-lam-vlxd-tren-dia-ban-90471.html