Tên lửa Khoái Châu-11 gặp trục trặc sau khi rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tây bắc Trung Quốc. Thất bại này xảy ra một ngày sau khi nước này phóng thành công tên lửa Trường Chinh-3B mang theo vệ tinh APSTAR-6D từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở Tứ Xuyên. Vệ tinh APSTAR-6D sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông băng thông rộng phục vụ cho các ứng dụng liên lạc trên máy bay, tàu biển cùng nhiều loại phương tiện khác.
Đoạn video về vụ phóng cho thấy tên lửa Khoái Châu-11 hoạt động tốt trong phút đầu tiên. Quá trình chia tách tầng thứ nhất và thứ hai cũng có vẻ thành công. Tân Hoa Xã nói rằng "một trục trặc đã xảy ra" và "nguyên nhân cụ thể của thất bại đang được phân tích, điều tra thêm".
Theo NASASpaceflight, đây là vụ phóng đầu tiên của Khoái Châu-11 sau vài lần trì hoãn và là vụ phóng thứ 19 của Trung Quốc trong năm nay. Tên lửa này được phát triển từ năm 2015 và dự kiến thực hiện vụ phóng đầu tiên vào năm 2018.
Khoái Châu-11 (còn được gọi là KZ-11) mang theo hai vệ tinh CentiSpace-1 S2 và Jilin-1 Gaofen-02E vào không gian. CentiSpace-1 S2 là một phần của loạt vệ tinh dùng để điều hướng ở quỹ đạo Trái đất thấp. Jilin-1 Gaofen-02E là vệ tinh viễn thám phục vụ các mục đích thương mại như theo dõi thảm họa địa chất và tài nguyên thiên nhiên.
KZ-11 phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc và được thương mại hóa bởi Tập đoàn Không gian Tam Giang. Với chiều cao 25 mét, đường kính 2,2 mét, lực đẩy 78 tấn, tên lửa này có thể chở hàng nặng 100 kg lên quỹ đạo đồng bộ Mặt trời hoặc 1.500 kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp.
Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc bắt đầu phát triển loạt tên lửa Khoái Châu vào năm 2009 như là một sản phẩm có thể phóng nhanh, chi phí thấp và không có yêu cầu quá khắt khe về trung tâm phóng. Khoái Châu là dòng tên lửa đẩy nhiên liệu rắn lớn nhất ở Trung Quốc, trái ngược với tên lửa Trường Chinh chủ yếu dựa vào nhiên liệu lỏng.
Long Hải (theo Space)