Tàu thăm dò sao Hỏa mang tên Hope (Hy vọng) của UAE đã được phóng vào ngày 19.7 từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản. Dự án này còn được gọi là "Sứ mệnh sao Hỏa Emirates", là bước đột phá đầu tiên của UAE vào hoạt động thăm dò liên hành tinh. Sau khi vượt qua 1/5 quãng đường đến sao Hỏa, tàu Hope lần đầu tiên chụp ảnh hành tinh đỏ xuất hiện phía trước.
“Tàu thăm dò Hope đã chính thức bay được 100 triệu km trong hành trình đến hành tinh đỏ. Sao Hỏa xuất hiện phía trước như trong bức ảnh mà thiết bị theo dấu sao của con tàu chụp, phía sau là sao Thổ và sao Mộc. Tàu thăm dò Hope dự kiến tới sao Hỏa vào tháng 2.2021”, Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum viết trên Twitter hôm 24.8.
Thiết bị theo dấu sao trên tàu vũ trụ Hope chụp ảnh sao Hỏa phía trước - Ảnh: Space
Sao Mộc (trái) và sao Thổ (phải) ở phía sau tàu Hope - Ảnh: Space
Thiết bị theo dấu sao được thiết kế giúp Hope đi đúng hướng, cho tàu vũ trụ này biết chính xác vị trí của nó. Ngoài ra, tàu thăm dò cũng mang theo một chiếc camera truyền thống để sử dụng khi nó đến sao Hỏa và bắt đầu công việc khoa học của mình.
Trong suốt hành trình tới hành tinh đỏ, nhóm chuyên gia của nhiệm vụ Hope dự đoán con tàu cần thực hiện 6 lần điều chỉnh quỹ đạo. Lần đầu tiên trong số đó diễn ra vào đầu tháng này.
Omran Sharaf, giám đốc dự án của nhiệm vụ Hope cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành lần điều chỉnh quỹ đạo thứ nhất. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên hệ thống điều khiển quỹ đạo và lực đẩy của Hope, cũng như lần đầu tiên 6 động cơ đẩy Delta-V của tàu vũ trụ được kích hoạt. Các động cơ đốt cháy trong 21 giây, giúp con tàu giữ đúng đường bay đến sao Hỏa. Chúng tôi rất hài lòng với hoạt động của tàu Hope cho đến hiện tại”.
Tàu vũ trụ Hope trị giá 200 triệu USD, sẽ hoàn thành một vòng quỹ đạo sau mỗi 55 giờ và bay quanh hành tinh trong ít nhất hai năm. Con tàu dự kiến sẽ tới quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 2.2021, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thống nhất UAE.
Khi Hope đến an toàn trên quỹ đạo quanh sao Hỏa, tàu vũ trụ sẽ bắt đầu nghiên cứu khí hậu và bầu khí quyển của hành tinh đỏ trong ít nhất một năm địa phương (gần hai năm Trái đất).
Long Hải (theo Space)