Giảm số lượng đội tàu đánh bắt nhỏ lẻ để thủy sản được khai thác bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 3/7, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, dù còn nhiều khó khăn nhưng các chỉ tiêu về sản xuất và tăng trưởng cơ bản đạt và vượt. Tuy vậy một trong những chỉ tiêu khó hoàn thành chính là giảm sản lượng khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều khó khăn khác như chưa có kinh phí đi thanh tra, nhất là trong lĩnh vực con giống và thức ăn dù đang có dấu hiệu nhận dạng được. Nhưng vì chưa có kinh phí đi thanh tra nên cũng chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở địa phương.
Ông Luân cho rằng, việc thanh tra là cần thiết để làm lộ rõ những nơi sử dụng tôm bố mẹ, sản xuất tôm, cá hay một số sản phẩm thức ăn chưa đúng quy định, bởi những yếu tố đầu vào này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của bà con.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực khai thác thủy sản cũng còn nhiều việc cần phải khắc phục. Các địa phương hiện đang hỗ trợ năng lực cho các cảng cá, chi cục để tăng cường năng lực, hiểu biết trong công tác chứng nhận, xác nhận, nhưng đây vẫn là một khoảng trống.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, 6 tháng đầu năm ngành thủy sản có nhiều thuận lợi khi thời tiết tương đối thuận lợi cho khai thác, giá xăng dầu tương đối ổn định. Các chiến lược phát triển ngành NN&PTNT, chiến lược phát triển thủy sản, các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược đã được phê duyệt đồng bộ…
Tuy nhiên theo ông Cẩn, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản của Việt Nam…
Ước tính đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 4,4 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 1,95 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt gần 4,36 tỷ USD, tăng 4,9% cùng kỳ năm 2023.
"6 tháng đầu năm 2024, ngành thủy sản đã làm được nhiều việc nhưng những tồn tại cũng không ít. Chúng ta cùng nhận diện để 6 tháng cuối năm làm tốt hơn, có sự chuyển động trong toàn bộ hệ thống, cả khai thác, cả nuôi trồng. Khai thác và nuôi trồng thủy sản phải song hành với nhau. Khai thác giảm thì nuôi trồng phải kế cận vào đó", ông Luân nhấn mạnh.
Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản cho hay, mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản mà chúng ta đặt ra trong năm 2024 là gần 3,4 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2023. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng 1%.
Mục tiêu theo Chiến lược là sản lượng khai thác thủy sản năm 2025 đạt 3,2 triệu tấn, đến năm 2030 chỉ còn 2,8 triệu tấn. Tuy nhiên, qua theo dõi quá trình sản xuất và dự báo ngư trường 6 tháng cuối năm, đặc biệt là mùa gió Đông Bắc, theo dự báo nhóm đối tượng khai thác chính như cá ngừ, mực, cá nổi nhỏ tiếp tục phân bố tốt ở các ngư trường truyền thống như Trung bộ và Đông Nam bộ. Như vậy, dựa vào tình hình ngư trường và năng lực khai thác thì từ đây đến cuối năm sản lượng khai thác tiếp tục tăng. Do đó, mục tiêu giảm sản lượng khai thác 8% so với năm 2023 khó đạt được.
Ngành thủy sản sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo đà cho các năm tiếp theo giảm. Hiện nay ngành cũng đã đề xuất một loạt nhiệm vụ để thực hiện Đề án 208 của Chính phủ, trong đó vừa giảm số lượng tàu cá, vừa giảm sản lượng, vừa chuyển đổi nghề, hi vọng sẽ giảm được một phần.
Thêm vào đó, theo ông Hải, chống khai thác IUU là hoạt động trọng tâm của ngành thủy sản. Thời gian qua, hệ thống văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT… đã rất kịp thời, đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, vì vậy đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn 3 vấn đề lớn là: Ngăn chặn tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài; xử lý vi phạm hành chính trong vi phạm thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS); kiểm soát tàu cá ra vào cảng và giám sát sản lượng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả khả quan khi tổng sản lượng đạt 4,4 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng khai thác tăng 1% chứ chưa giảm như mục tiêu đặt ra, nuôi trồng mới chỉ đạt 42,7% như kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản vẫn còn chậm hơn so với các ngành khác.
Với lĩnh vực khai thác thủy sản, Thứ trưởng nhấn mạnh việc tập trung giảm sản lượng như mục tiêu đã đề ra; giảm đội tàu, chuyển đổi nghề; giải quyết các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU như quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, VMS, màu sơn, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản; tăng cường xử lý vi phạm hành chính…
Với nuôi trồng thủy sản, phải quan tâm hơn nữa đến quy trình, công nghệ, kỹ thuật mới. Giải quyết khó khăn đối với từng đối tượng như cá tra, tôm, cá ngừ, nhuyển thể, nuôi biển… Xem xét quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực nuôi biển…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, 6 tháng cuối năm 2024, ngành thủy sản phải "tranh thủ ngày nắng, chiến thắng ngày mưa". Khó khăn bao giờ cũng đi cùng với sự thuận lợi, theo đó cần phải tập trung cao độ.
6 tháng cuối năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,89 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 1,57 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 3,32 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD.
Đỗ Hương
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/tap-trung-muc-tieu-giam-khai-thac-thuy-san-102240703182138348.htm