Theo cơ quan thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại; căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu; sự biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường, kết quả tăng trưởng 7,02% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).
Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (Cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018; theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018; năm 2019 ước tính đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên tất cả các địa phương gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá, là điểm sáng của khu vực này.
Cũng theo báo cáo, tính chung năm 2019, cả nước có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,7 triệu tỉ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp. Cùng với đó, còn có 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2019 lên 177,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn năm 2019 là 28,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,9% so với năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 43,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,7%, trong đó có 17,7 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2%.
Lam Thanh