Người dân mang chó, mèo đến điểm tiêm phòng bệnh dại. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, trong 3 tháng đầu năm 2025, bệnh dại trên động vật đã xảy ra 45 ổ dịch tại 45 xã/32 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố, làm 47 động vật mắc bệnh, phải tiêu hủy 53 con.
Đối với Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 ổ dịch bệnh dại trên động vật ở 3 xã thuộc 2 huyện, thị xã.
Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thuỷ sản và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Ngô Đình Loát, theo kế hoạch, Chi cục đã thực hiện phân bổ vaccine dại do ngân sách thành phố hỗ trợ, giao chỉ tiêu và triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025 tới các quận, huyện, thị xã. Đối với các quận nội thành, chi cục chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y tham mưu UBND quận tổ chức cung ứng vaccine dại phục vụ người dân nuôi chó, mèo tiêm phòng vaccine dại theo quy định.
Ngân sách thành phố hỗ trợ vaccine dại tiêm cho đàn chó mèo chung toàn thành phố với mức 97% tổng đàn (diện tiêm) x 1 lượt/năm. Năm 2025, toàn thành phố tổ chức 2 đợt tiêm phòng dại chó mèo, đợt 1 từ ngày 27/3 đến ngày 5/4; đợt 2 tiêm bổ sung từ ngày 1 đến ngày 10/10. Hiện các địa phương đang tập trung triển khai tiêm vaccine dại cho chó mèo, phấn đấu đợt 1 tiêm vaccine phòng dại cho chó mèo đạt từ hơn 90% tổng đàn thuộc diện tiêm trở lên.
Việc tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, người dân cần phối hợp và tuân thủ nghiêm quy định tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi tại hộ gia đình. Nếu người nuôi chó, mèo không tuân thủ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và buộc phải chấp hành việc tiêm phòng (theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP).
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi Thủy sản và Thú y Hà Nội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Vì, UBND các xã Sơn Đà, Tòng Bạt, Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) tổ chức tập huấn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật.
Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Thông qua đợt tập huấn nhằm phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật, chính sách của nhà nước quy định về phòng, chống bệnh dại, như: Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030"; Văn bản số 17/BNN-TY ngày 5-1-2022 của Bộ NN&PTNT (nay là Bộ NN&MT) về việc tổ chức triển khai chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 04/4/2022 của UBND thành phố Hà Nội về Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2030.
Các quy định về nuôi chó, mèo và trách nhiệm của người nuôi chó, mèo; các quy định về xử lý vi phạm đối với những trường hợp không tuân thủ các quy định về quản lý chó, mèo nuôi, tiêm vaccine dại cho chó, mèo; không tuân thủ các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại ở người; hướng dẫn cách xử lý y tế ngay sau khi bị chó, mèo cắn.
Ngày 14/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 22/CĐ-TTg năm 2024 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Theo đó yêu cầu người đứng đầu chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo.
Thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn; hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại; không để chó, mèo thả rông, khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường;
Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo; chỉ đạo tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại...
Thiện Tâm