Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về lễ đúc tượng Phật Dược sư dát vàng tại khu công nghiệp An Nghiệp, xã An Hiệp, H.Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Khu vực này rộng 4,2 hecta, được Công ty TNHH Chế biến thực phẩm - bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên (gọi tắt là Công ty Tân Huê Viên) thuê của Nhà nước trong thời gian 49 năm.
Ông Thái Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tân Huê Viên cho biết điểm dừng chân ven quốc lộ 1 của ông là điểm du lịch cấp tỉnh. Muốn tạo "điểm nhấn" cho ngành du lịch của Sóc Trăng nên ông thuê khu đất liền kề nằm trong khu công nghiệp An Nghiệp để xây Liên Hoa Bảo Tháp vào đầu năm 2018.
Theo ông Tuấn, dự án có tổng vốn đầu tư trên 500 tỉ đồng. Liên Hoa Bảo Tháp có hình hoa sen, cao 68m, đường kính 119m, sức chứa phần trệt khoảng 200 người.
Tầng trên của công trình này ông Tuấn cho đặt tượng Phật Dược sư bằng đồng cao 6,8m, nặng 19 tấn, dát 88 lượng vàng 24K. Lễ đúc tượng được ông Tuấn tổ chức thực hiện vào ngày 14.8, kết hợp với hội nghị tri ân khách hàng.
Ông Tuấn bên hình tượng Phật Dược sư - Ảnh: Hàm Yên
Chúng tôi đặt vấn đề về việc đặt tượng Phật Dược sư sẽ hình thành khu du lịch tâm linh, thờ cúng, tuy nhiên ông Tuấn nói rằng mục đích của doanh nghiệp là muốn phục vụ du lịch, tạo điểm nhấn riêng biệt chứ không có thầy tu cúng bái theo kiểu thờ tự, tôn giáo.
"Vòng ngoài, tôi làm tường rào là kỳ quan Vạn Lý Trường Thành rồi, bên trong điểm du lịch là Quốc hoa Việt Nam. Thờ Phật Dược sư là cá nhân tôi, khách du lịch quỳ lạy thì đó là việc tự tín ngưỡng của họ. Đặt tượng Phật giống như tôi mua món đồ gì đó để vô chứ không phải cơ sở tôn giáo", ông Tuấn lý giải.
Ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, xác nhận khu đất Công ty Tân Huê Viên đặt tượng Phật Dược sư là thuê của nhà nước 49 năm. Công trình này do Ban Quản lý các khu công nghiệp Sóc Trăng cấp phép xây dựng vì khu đất này được quy hoạch du lịch - dịch vụ.
"Công ty xây đài sen, bên trong đặt tượng nhỏ thôi, nhằm thu hút khách du lịch cứ không có mục đích tôn giáo gì hết. Nghị định 82 của Chính phủ có nói về khu công nghiệp đô thị. Vì vậy, tỉnh khuyến khích vừa thực hiện khu công nghiệp kết hợp phát triển đô thị dịch vụ du lịch", ông Trong nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho rằng Công ty Tân Huê Viên đặt tượng Phật Dược sư theo phong tục tín ngưỡng dân gian, không phải hoạt động tôn giáo. Theo ông Lý, xây tượng Phật Dược sư giống như một số điểm du lịch xây tượng Phật Di lặc và Suối Tiên ở TP.HCM là một ví dụ.
"Công ty Tân Huê Viên thuê đất trên 40 năm, nếu hết hạn mà Nhà nước thu hồi thì doanh nghiệp phải tự chịu", lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Sóc Trăng khẳng định.
Hàng rào Vạn Lý Trường Thành của Công ty Tân Huê Viên - Ảnh: Hàm Yên
Tuy nhiên, ông Ngô Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết không được doanh nghiệp hoặc các cơ quan liên quan trình báo về việc Công ty Tân Huê Viên làm lễ đúc tượng Phật Dược sư trong đất thuê của khu công nghiệp.
"Tôi chỉ biết doanh nghiệp xây Liên Hoa Bảo Tháp hình hoa sen, còn xây tượng thì chưa biết. Để tôi kiểm tra lại", ông Ngô Hùng nói.
Như ông Tuấn đề cập về kỳ quan ở phần trên, điều đáng quan tâm hiện nay là khi mọi người đến tham quan điểm du lịch của ông Tuấn là ngắm nhìn hàng rào có hình dáng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Theo ông Tuấn, vì ông thích kỳ quan này nên đã xây hàng rào có hình dáng Vạn Lý Trường Thành chứ không có ý gì khác.
Hàm Yên