Số gỗ tang vật thu giữ được trong các vụ vi phạm đang được bảo quản tại Hạt Kiểm lâm Võ Nhai khá lớn.
Biết luật nhưng chưa hiểu luật
Những năm gần đây, do nhu cầu đất sản xuất, lấy gỗ dựng nhà hoặc lợi ích kinh tế, không ít người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai vướng vào vòng lao lý do hành vi khai thác, xâm hại rừng trái phép.
Trong tháng 7-2024, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Võ Nhai đã xét xử vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” liên quan đến bị cáo Triệu Tiến Thanh và đồng phạm. Tại phiên tòa, bị cáo Thanh khai nhận do nhu cầu lấy gỗ sửa nhà và biết tại khu rừng gia đình đang quản lý thuộc xóm Thượng Lương (xã Nghinh Tường) có nhiều gỗ to nên nảy sinh ý định khai thác gỗ.
Tổng số gỗ bị khai thác là 22 gốc cây, trong đó có 25 thân cây, 41 tấm gỗ xẻ, có tổng khối lượng 44,49m3, thuộc nhóm cây gỗ tạp thông thường. Kết quả xét xử, Tòa tuyên phạt bị cáo Triệu Tiến Thanh 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, TAND huyện Võ Nhai đã xét xử 3 vụ việc liên quan đến hành vi khai thác gỗ, chặt phá, xâm hại rừng... Chưa kể hiện nay, các cơ quan tố tụng của huyện đang thụ lý, giải quyết một số vụ án khác liên quan đến vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Chánh án TAND huyện Võ Nhai: Qua các phiên xét xử, chúng tôi nhận thấy đa số người vi phạm là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chế, thực hiện hành vi chặt phá rừng không nhằm mục đích buôn bán lâm sản mà chỉ để lấy đất canh tác, lấy gỗ làm nhà.
Ông Hoàng Văn Tiến, xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường, bày tỏ: Do thiếu hiểu biết nên 2 con trai của tôi phải chịu án tù vì tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Sau khi các cháu phải chịu án, hoàn cảnh của vợ, con các cháu và gia đình tôi đều hết sức khó khăn do thiếu lao động chính.
Qua phân tích cho thấy, những người vi phạm đa phần đều đã được tuyên truyền về việc phá rừng là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vì nhiều lý do vẫn vi phạm. Có người lại hiểu biết một cách sơ sài, cho rằng cây trên rừng đặc dụng đã khô, có thể mang về tận dụng để lấy gỗ. Có người lại cho rằng chặt cây sau đó sẽ trồng keo trả lại, chỉ sau vài năm rừng sẽ phục hồi như cũ, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trên thực tế, trong suốt nhiều năm qua, huyện Võ Nhai và ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, ký cam kết với các hộ dân về việc không vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn.
Còn nhiều bất cập
Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, năm 2024, đơn vị đã xử lý hành chính 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; tịch thu 21,745m3 gỗ quy tròn, 4 cá thể động vật hoang dã, 1 xe máy và 4 cưa xăng; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là trên 266 triệu đồng.
Trong khi đó, năm 2023, trên địa bàn xảy ra 52 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; cơ quan chức năng tịch thu 44,201m3 gỗ quy tròn các loại (gỗ quý hiếm là 3,095m3 và 41,106m3 gỗ thông thường), 1 xe máy và 15 con dao là tang vật vi phạm.
Năm 2022 xảy ra 31 vụ vi phạm… Hành vi vi phạm chủ yếu của đối tượng là phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép...
Theo phân tích, số vụ vi phạm có giảm so với giai đoạn trước năm 2020, tuy nhiên, việc vi phạm thường tái diễn ở một số xã như Nghinh Tường, Vũ Chấn, Sảng Mộc… Trong khi số đối tượng vi phạm trong mỗi vụ lại tăng, có thể lên tới hàng chục người/vụ.
Theo ông Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai: Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, ranh giới các loại rừng còn chưa rõ ràng nên hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng của lực lượng chức năng còn hạn chế. Mặt khác, do địa điểm xảy ra các vụ việc tại những khu vực rừng núi hiểm trở, diện tích bị xâm hại nằm rải rác nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện sớm.
Một khó khăn khác cũng được chỉ ra là đa số đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ rừng đều là người dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Một số vụ án có sự tham gia của nhiều đối tượng nên việc lấy lời khai gặp khó khăn, dẫn đến việc xác định tính chất, mức độ và phân loại để xử lý đối tượng cũng gặp khó.
Anh Dương Tiến Bình, Trưởng xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường, chia sẻ: Xóm có 95 hộ thì có đến 93 hộ nghèo và cận nghèo. Dù lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các quy định về bảo vệ rừng, nhưng do đời sống khó khăn, phong tục làm nhà bằng gỗ cộng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật khiến nhiều người dân phải chịu án phạt do xâm hại, hủy hoại rừng. Về phía xóm, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con nhưng hiệu quả đạt được không cao.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Nghinh Tường đến nhà tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ rừng.
Để giữ an toàn cho rừng
Theo quy hoạch, Võ Nhai có trên 65.000ha đất rừng, gồm 15.753ha đất rừng phòng hộ, 18.704ha đất rừng đặc dụng và 30.733ha đất rừng sản xuất.
Với đặc thù phần lớn người dân sinh sống ven các cánh rừng, sống dựa vào rừng trở thành thói quen, nếp nghĩ có từ lâu đời, công tác bảo vệ rừng là một thách thức không nhỏ. Việc vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, vừa khai thác tối đa nguồn lợi hợp pháp từ rừng, đồng thời bảo vệ an toàn cho những cánh rừng là một bài toán lớn đối với lực lượng chức năng và địa phương.
Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, cho rằng: Người dân trên địa bàn quen sống cùng rừng từ bao đời nay, vì vậy để họ tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng bền vững thì cần cải thiện sinh kế cho bà con sống được bằng nghề rừng. Cụ thể là chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dựa vào rừng thông qua trồng trọt, chăn nuôi, mô hình nông - lâm kết hợp.
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung rà soát, xác định, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm. Từ đó chỉ đạo, phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, canh gác, mở các đợt cao điểm; tổ chức phát giác, đấu tranh truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về quản lý, bảo vệ rừng...
Nhiều năm trước đây, người dân Võ Nhai đã tự do khai phá rừng lấy đất canh tác hay khai thác lâm sản trái quy định. Tuy nhiên, hiện nay những diện tích này đã được đưa vào quy hoạch các loại rừng, bắt buộc người dân phải chuyển sang canh tác trên đất nông nghiệp, trả lại diện tích đất lâm nghiệp đã xâm lấn.
Dù vậy, vì đất được đưa vào quy hoạch các loại rừng nên phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nhiều xã trên địa bàn huyện đang rất thiếu, khiến đời sống của người dân không được bảo đảm. "Vòng tròn" lặp lại, người dân đi khai phá đất rừng, chặt phá rừng lấy lâm sản đem đi bán...
Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ đạt hiệu quả khi có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành, chứ không chỉ riêng trách nhiệm của một đơn vị, ngành, địa phương nào. Muốn thực hiện được điều này, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải tham gia giải quyết các vấn đề đất đai, sinh kế, an sinh xã hội; đào tạo và phát triển thêm một số nghề để người dân có thể chuyển đổi nghề khai thác rừng sang một số ngành nghề khác.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ rừng, cần đưa ra xét xử lưu động các vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, vi phạm Luật Lâm nghiệp. Qua đó giúp nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe và tính giáo dục đối với cộng đồng dân cư.
Tạo sinh kế để người dân giữ rừng
Nhằm tạo sinh kế cho người dân sinh sống trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai), từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã cấp cây giống dược liệu (ba kích, cát sâm, khôi tía…) cho bà con ở các xã Sảng Mộc, Cúc Đường, Thần Sa, Thượng Nung, Phú Thượng trồng dưới tán rừng, với tổng diện tích trên 15ha.
Ngoài được cung cấp giống, các hộ tham gia trồng cây dược liệu còn được hỗ trợ phân bón và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu.
Những dược liệu đưa vào trồng đều là cây ưa ẩm, ưa rợp bóng, có thể trồng dưới tán rừng. Dự án này vừa nhằm giúp người dân tạo thu nhập từ rừng, làm giàu cho rừng, vừa gia tăng đa dạng sinh học và giá trị phòng hộ từ rừng.
Tính đến thời điểm này, một số diện tích cây dược liệu trồng từ giai đoạn đầu đã cho thu hoạch. Theo tính toán, khi đến kỳ thu hoạch chính, các loại cây dược liệu có thể cho thu nhập 80-100 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, huyện Võ Nhai cũng đã định hướng phát triển vùng trồng cây dược liệu ở các xã phía Bắc, với các loại cây như: Quế, giảo cổ lam, ba kích, khôi nhung, cát sâm, sâm bố chính, sạ cam (dẻ quạt), đẳng sâm...
Trên địa bàn huyện hiện có một số sản phẩm dược liệu được sản xuất, chế biến và đưa ra thị trường như: Trà giảo cổ lam của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dược thảo Hòa Bình, thị trấn Đình Cả; trà hoa đu đủ của Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Minh; cao dược liệu của Công ty TNHH Cây thuốc và Vị thuốc xã La Hiên...
Theo Đề án phát triển nông, lâm nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Võ Nhai định hướng trồng mới trên 400ha cây dược liệu các loại từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ngân sách huyện.
Đây cũng là một trong những giải pháp của địa phương nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân sống dựa vào rừng. Qua đó giúp người dân ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép từ rừng, bảo vệ rừng bền vững từ gốc.
Nguồn baothainguyen.vn
Link bài gốchttps://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202412/vi-sao-van-nong-tinh-trang-pha-rung-13b0826/