Chiều tối 18-7, Công an huyện Lâm Hà cùng Hạt kiểm lâm huyện này đã di lý 3 đối tượng bị bắt quả tang phá rừng về trụ sở Công an để điều tra, làm rõ. Thủ đoạn của những kẻ phá rừng ngày càng tinh vi, nhiều chiêu trò mới, thách thức pháp luật.
Theo đó, vào sáng cùng ngày, đoàn công tác gồm lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà do Đại tá Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Công an huyện và Thượng tá Trần Văn Trà – Phó Công an huyện cùng một số trinh sát nghiệp vụ của đơn vị phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện vào rừng tuần tra, kiểm soát một số cánh rừng, do gần đây trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ lâm tặc phá rừng.
Lúc 15 giờ cùng ngày, khi đoàn công tác đến cánh rừng tại lô B, khoảnh 2, Tiểu khu 273B (địa phận tổ dân phố Từ Liêm, TT.Nam Ban, huyện Lâm Hà), lực lượng phối hợp nghe tiếng cưa máy trong rừng nên tổ chức trinh sát, phát hiện 3 đối tượng đang có hành vi dùng cưa triệt hạ thông, dọn dẹp hiện trường, chiếm đất, còn 1 đối tượng đang chỉ huy ở đó. Chúng bỏ chạy nhưng nhanh chóng bị lực lượng chức năng bao vây, bắt giữ.
Danh tính những kẻ phá rừng gồm: Nguyễn Hùng Cường (tự Cường tén, SN 1983, trú tại thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) được xác định là kẻ chủ mưu, thuê Vương Hoài Nam (SN 1987, trú thôn Nam Hà, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà), Đặng Văn Hưng (SN 1992, trú TT. Quốc Lâm, huyện Giao Thuỷ, Nam Định), Lò Văn Hai (SN 1990, trú thôn 2, xã Thanh Đồng, huyện Như Xuân, Thanh Hoá) trực tiếp cưa hạ thông.
Các đối tượng khai nhận, vào 9 giờ sáng cùng ngày mang 3 cưa máy đến cưa thông tại đây để chiếm đất. Trong số tang vật bị lực lượng chức năng bắt giữ ngoài 3 cưa máy, có 1 can xăng. Thủ đoạn của chúng là sau khi cưa hạ thông thì đổ xăng vào gốc, cùng việc cây thông có nhiều nhựa (mủ) dễ cháy, chúng đốt gốc cây để xóa dấu vết, sau đó trồng cây ngay bên cạnh, cây mới trồng sẽ lên tốt và xóa được dấu vết cây. Những cành, cây thông chúng chờ khô sẽ đốt phi tang để chiếm đất.
Qua kiểm đếm, ngành chức năng xác định, các đối tượng đã hủy hoại, cưa hết 23 cây thông, số lượng lâm sản thiệt hại 12,004m3. Tại hiện trường, nhiều cây thông bị cưa chết khô từ nhiều ngày trước và một số cây mới cưa.
Thượng tá Trần Văn Trà cho biết, Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng.
Cũng trong sáng 18/7, Các cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm và tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp khai quật khoảng 400 lóng thông tại khoảnh 6, tiểu khu 438A thuộc địa bàn thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm và tiếp tục kiểm đếm số gỗ thông bị chôn lấp, để phục vụ công tác điều tra.
Đến chiều tối cùng ngày, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục công việc đo đạc, kiểm đếm số lượng cây thông bị triệt hạ, cắt khúc rồi chôn lấp phi tang tại đây.
Trước đó, từ nguồn tin tố giác của người dân, lực lượng kiểm lâm và một số cơ quan chức năng tại địa phương đã huy động cả chục người tiến hành kiểm tra, đào bới suốt mấy ngày qua, phát hiện 400 lóng gỗ thông dài 1 -1,5m, đường kính từ 17- 40cm bị cắt, chôn lấp dưới đất, nhiều lóng gỗ vẫn còn tươi. Thống kê bước đầu, trữ lượng gỗ thông bị lén lút cưa hạ, cắt khúc lên đến hơn 9m3, bị những kẻ phá rừng hủy hoại trong khoảng 2-3 tháng trở lại đây.
Thủ đoạn của chúng sau khi cưa hạ sát gốc cây thông, chúng tiến hành cắt khúc cây rồi chôn lấp các lóng thông gần gốc cây. Tại vị trí gốc cây thông cũ, chúng trồng cây bơ thay thế, nhằm phi tang dấu vết, hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Số cây thông bị triệt hạ, phi tang nằm trên diện tích khoảng 2ha, đã được rào lưới B40 xung quanh, thuộc phần diện tích rừng cộng đồng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Tổ cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú, do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng. Tổng diện tích tổ này được giao vào năm 2013 là hơn 230 ha, trong đó có hơn 192 ha rừng phải quản lý bảo vệ, hơn 32 ha rừng phải trồng và chăm sóc, chỉ có 5,85 ha là diện tích sản xuất nông lâm kết hợp. Thế nhưng đến cuối năm 2017, số diện tích rừng cộng đồng đã bị lấn chiếm, phân lô để bán và trồng cây nông nghiệp đã lên đến hơn 76 ha.
Cũng theo Kiểm lâm, lâu nay các đối tượng thường cưa hạ thông rồi đốt hoặc cắt đưa đi nơi khác tiêu thụ, phi tang; đầu độc thông bằng hóa chất cho chết hàng loạt; nay có thêm thủ đoạn cưa hạ thông rồi cắt khúc, chôn lấp tại chỗ, đốt, tiêu hủy gốc thông xóa dấu vết để lấn chiếm đất, tránh quá vận chuyển bị lực lượng chức năng phát hiện.
UBND huyện Bảo Lâm đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi diện tích đất rừng cộng đồng này. Thủ đoạn của những kẻ phá rừng ngày càng tinh vi, bất chấp luật pháp. Các cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra, truy tìm thủ phạm vụ phá rừng này.
Lâm Đồng, phá rừng thông