Hạn ngạch phát thải khí nhà kính áp cho những ngành nào?
Tiêu chí chọn ngành áp hạn ngạch
Việc lựa chọn các ngành cụ thể trong từng thị trường ETS là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, chính trị và môi trường. Có một số câu hỏi cơ bản mà các ETS thường đề ra khi cân nhắc lựa chọn:
- Lĩnh vực/hoạt động này có chiếm tỷ lệ phát thải đáng kể không?
Các ngành được lựa chọn thường là những ngành có lượng phát thải cao, như năng lượng, xi măng, thép, hóa chất và sản xuất giấy. Những ngành này thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khí thải của một quốc gia hoặc khu vực.
- Có các phương án giảm phát thải khả thi không?
Các ngành có khả năng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch hoặc cải tiến công nghệ để giảm phát thải sẽ được ưu tiên trong quá trình phân bổ hạn ngạch. Việc tập trung vào những ngành này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.
- Lượng phát thải đã được bao gồm trong các chính sách chưa?
Mỗi thị trường ETS có mục tiêu và chính sách giảm phát thải riêng. Chính phủ và cơ quan quản lý sẽ lựa chọn các ngành cụ thể dựa trên khả năng đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia hoặc khu vực.
- Có thể giám sát các phát thải chính xác, hợp lý không?
Một số ngành có khả năng giám sát lượng phát thải dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ vào hệ thống đo lường có sẵn và quy trình quản lý chặt chẽ. Điều này giúp giảm chi phí quản lý và đảm bảo tính chính xác trong việc báo cáo phát thải. Ví dụ, các nhà máy nhiệt điện hoặc nhà máy lọc dầu có sẵn các công cụ đo lường phát thải, giúp các cơ quan quản lý dễ dàng giám sát và điều chỉnh lượng hạn ngạch.
- Có vấn đề chính trị nào cần được giải quyết không (ảnh hưởng về phân phối, khả năng cạnh tranh công nghiệp)?
Các quy định pháp lý khác nhau giữa các quốc gia hoặc khu vực cũng ảnh hưởng đến cách chọn ngành và phân bổ hạn ngạch. Ví dụ, trong một số thị trường, chính sách phân bổ hạn ngạch miễn phí được ưu tiên để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi các thị trường khác lại hướng đến phân bổ hạn ngạch có trả phí để tạo thêm nguồn thu cho các chương trình giảm thiểu tác động môi trường.
Cùng với đó, các ngành dễ bị tổn thương bởi sự thay đổi trong quy định khí thải thường được xem xét đặc biệt. Ví dụ, các ngành sản xuất kim loại hoặc xi măng có khả năng dịch chuyển sản xuất ra khỏi thị trường trong nước nếu chi phí khí thải quá cao, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, các ngành này thường nhận được hạn ngạch miễn phí hoặc hạn ngạch được phân bổ một cách linh hoạt hơn để đảm bảo tính cạnh tranh.
Các nước đang áp hạn ngạch ngành nào?
Hệ thống Giao dịch Phát thải của Liên minh Châu Âu (EU ETS) có 3 nhóm ngành bị áp hạn ngạch, tập trung vào mục tiêu giảm lượng phát thải hiệu quả nhất.
- Năng lượng: Các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
- Công nghiệp nặng và hóa chất: sản xuất xi măng, thép, nhôm, gốm sứ, thủy tinh, sản xuất giấy, amoniac, axit nitric và các hóa chất cơ bản khác.
- Hàng không: các chuyến bay nội khối (EEA), nghĩa là các chuyến bay trong khu vực kinh tế châu Âu.
Hệ thống Giao dịch Phát thải của Trung Quốc (China ETS) là thị trường giao dịch khí thải lớn nhất thế giới tính theo lượng phát thải, vận hành vào năm 2021. Do sản xuất điện là nguồn phát thải lớn nhất ở nước này, hệ thống hiện chủ yếu giới hạn ở lĩnh vực sản xuất điện.
Theo đó, tất cả các nhà máy điện có công suất phát thải lớn hơn 26.000 tấn CO2 mỗi năm đều bị áp hạn ngạch, hiện có hơn 2000 cơ sở. Trong tương lai, Trung Quốc định mở rộng sang các ngành công nghiệp nặng như xi măng, thép, hóa chất, và nhôm.
Lựa chọn phân bổ hạn ngạch các ngành của EU và một số nước.
Hai thị trường có nhiều ngành bị áp hạn ngạch phát thải hàng đầu là Hàn Quốc và New Zealand. Trong đó, Hệ thống Giao dịch Phát thải Hàn Quốc (K-ETS) được ra mắt vào năm 2015. Họ áp hạn ngạch cho tất cả nhà máy phát điện, công nghiệp nặng (sản xuất thép, xi măng, hóa chất, giấy); một số ngành công nghiệp nhẹ; các tòa nhà thương mại lớn.
Nhằm kiểm soát lượng phát thải CO2 từ các hoạt động bay nội địa, K-ETS cũng đưa hàng không vào danh sách áp hạn ngạch. Tương tự, ngành xử lý chất thải cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh nhằm quản lý tốt hơn lượng khí thải metan (CH4) và các loại khí nhà kính khác phát sinh từ việc xử lý chất thải rắn và lỏng.
Dày đặc hơn, New Zealand Emissions Trading Scheme (NZ ETS) áp hạn ngạch với các ngành phổ biến như công nghiệp, hàng không, vận tải, tòa nhà thương mại, xử lý chất thải. Song song đó, hệ thống này cũng áp hạn ngạch lên lâm nghiệp do vai trò quan trọng trong việc lưu trữ carbon và Nông nghiệp do ngành này chiếm hơn 50% lượng phát thải khí nhà kính của New Zealand.
Việt Nam sẽ áp hạn ngạch các ngành nào?
Theo Đề án phát triển thị trường carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng cùng với các bộ ngành liên quan, giai đoạn từ năm 2025-2028, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bố đối với một số lĩnh vực phát thải lớn.
Dự kiến trong giai đoạn thí điểm này, có khoảng 100 cơ sở được phân bổ hạn ngạch miễn phí, thuộc lĩnh vực phát thải lớn như nhiệt điện, sắt, thép, xi măng.
Từ 2029, phần lớn hạn ngạch phát thải vẫn được phân bổ miễn phí, phần còn lại được thông qua đấu giá. Chủ thể được phân bổ là các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng ban hành.
Theo Quyết định số 01/2022 của Thủ tướng, danh mục phải kiểm kê khí nhà kính có 1.912 cơ sở, thuộc 6 lĩnh vực: năng lượng, giao thông, xây dựng, quá trình công nghiệp, nông - lâm - sử dụng đất, chất thải.
Sáu lĩnh vực này tương ứng thuộc phạm vi quản lý của các bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, riêng Bộ Công Thương quản lý chủ yếu, chiếm đến 1.662 cơ sở.