Ảnh minh họa
Kết nối các nguồn lực
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, để giảm tác động của rác thải nhựa ra môi trường, TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình tuyên truyền, vận động người dân và DN giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần; thực hiện thu gom, phân loại và đẩy mạnh công tác tái chế chất thải nhựa. Đơn cử, thành phố đã triển khai dự án Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ (do Quỹ Coca-Cola tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) thực hiện) và dự án thu hồi vỏ nhựa trên địa bàn quận 7 (phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam)…
Ở góc độ quốc gia, Bộ TN-MT cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Nestlé Việt Nam triển khai dự án Trung hòa nhựa đến năm 2025. Dự án tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa. Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng đã hợp tác với Công ty Unilever Việt Nam và các đối tác thực hiện chương trình “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa”. Đến nay, chương trình hợp tác đã kết nối thêm 27 thành viên khác là các DN thu gom, tái chế, tổ chức giáo dục có cùng tầm nhìn và mục tiêu về quản lý rác thải nhựa, góp phần vào việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…
Đại diện Công ty Unilever Việt Nam cho biết, công ty luôn tiên phong, đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường; xác định việc tham gia hợp tác với các cơ quan chức năng, tổ chức để giải quyết các vấn đề về môi trường và mang lại giá trị cho xã hội, cộng đồng là trách nhiệm xuyên suốt. Bên cạnh dự án giảm rác thải nhựa đang phối hợp thực hiện với UBND quận 7 (TPHCM), Unilever Việt Nam còn hợp tác với Central Retail Vietnam thực hiện chiến dịch truyền thông, giáo dục phân loại rác tại nguồn, thí điểm tại siêu thị GO! với mục tiêu kêu gọi người tiêu dùng, người dân có thói quen phân loại rác tái chế, đặc biệt là rác thải nhựa tại siêu thị và hộ gia đình…
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc GreenHub, sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trong việc thiết lập, kết nối chuỗi giá trị tái chế tại địa phương, hạn chế rác thải nhựa, trao quyền cho cộng đồng trong quản lý môi trường sạch hơn và xanh hơn. Theo đó, có 5 vựa phế liệu tăng thu nhập sau khi được dự án hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất; 51 phụ nữ thu gom phế liệu được tập huấn an toàn lao động và hỗ trợ công cụ lao động; tuyên truyền về thu gom, phân loại và tái chế chất thải nhựa song song với du lịch có trách nhiệm đến 2.000 khách du lịch; tuyên truyền về hoạt động thu gom, phân loại chất thải nhựa cho 76.516 lượt người dân.
Thu gom rác trên bãi biển trong chiến dịch “vì một đại dương xanh”
Trong kế hoạch tăng cường công tác quản lý giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học đối với biển, hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa từ nguồn; tổ chức phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có chức năng, đủ điều kiện thực hiện các hoạt động thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở TN-MT thực hiện cho vay vốn ưu đãi theo quy định từ nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố đối với cá nhân, tổ chức, DN có hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải nhựa; sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường được Bộ TN-MT gắn Nhãn xanh Việt Nam trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
Các chuyên gia môi trường nhìn nhận, cộng đồng DN đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm rác thải nhựa nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung. Trách nhiệm của DN không chỉ trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường mà còn chủ động triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ để đảm bảo tối ưu hiệu quả việc sử dụng nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất, góp phần giảm phát thải.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết, Nestlé luôn cam kết đầu tư lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng hành và hợp tác với Bộ TN-MT và các đối tác trong việc triển khai các hoạt động giảm rác thải nhựa, Nestlé hy vọng sẽ góp phần chung tay hành động vì một Việt Nam xanh, sạch và đẹp hơn. Nỗ lực thực hiện giảm rác thải nhựa, đến cuối năm 2021, 100% sản phẩm uống liền của Nestlé đã chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang sử dụng ống hút giấy có chứng nhận quản lý rừng bền vững. Chỉ trong 2 năm 2021 và 2022, Nestlé Việt Nam đã giảm khoảng 2.400 tấn nhựa sử dụng. Hiện nay, trên 90% bao bì sản phẩm của công ty đã được thiết kế để có thể tái chế... Tương tự, ông Leonardo Garcia, Tổng Giám đốc Công ty Coca-Cola Việt Nam, cũng cho biết, công ty đã công bố chính thức mục tiêu bao bì bền vững đầy tham vọng nhằm thu gom, tái chế số lượng tương đương với mỗi chai/lon bán trên toàn cầu vào năm 2030 và sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì vào năm 2030.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Bộ TN-MT cho biết, Luật Bảo vệ môi trường đã xác định cộng đồng DN là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Bộ TN-MT luôn đánh giá cao sự tham gia hợp tác của các DN, nhất là khối DN tư nhân trong việc đồng hành cùng Chính phủ để chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Theo thống kê của Bộ TN-MT, trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường hơn 1,8 triệu tấn rác nhựa, riêng TPHCM phát sinh khoảng 80 tấn rác thải nhựa/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy thải ra môi trường tăng dần từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Rác thải nhựa không được thu gom, xử lý đúng quy định sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, những hạt vi nhựa này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn. Khi con người tiếp xúc phải những mảnh vi nhựa này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
* Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM: Luôn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Trong quá trình triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung, TPHCM luôn luôn khuyến khích các DN tham gia. Với những thế mạnh về tài chính, công nghệ..., sự đóng góp của các DN chắc chắn sẽ giúp thành phố có thêm nhiều giải pháp để triển khai các dự án giảm rác thải nhựa.
* PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM): Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp Sự tham gia của các DN, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quản lý rác thải nhựa nói riêng và lĩnh vực môi trường nói chung sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Các DN có tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ, tinh thần trách nhiệm cao sẽ giải quyết được tất cả vấn đề liên quan đến công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa. Tuy nhiên, để khuyến khích các DN tham gia công tác thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa, Chính phủ Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, chẳng hạn như chính sách khuyến khích tái chế rác thải nhựa, phát triển thị trường cho sản phẩm tái chế... Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ về thuế, nguồn vốn vay ưu đãi.
MINH HẢI
Nguồn www.sggp.org.vn
Link bài gốchttps://www.sggp.org.vn/giai-bai-toan-rac-thai-nhua-chung-tay-hop-tac-cong-tu-post742722.html