Đó là tâm sự chung của các ngư dân khi được hỏi về những chuyến ra khơi tham gia đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa.
Trong lá thư gửi cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa), anh Võ Chung, 49 tuổi, tàu cá QNg 95068 TS, quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi xúc động viết: "Trước hết, tôi xin báo cho các anh biết tin vui là sức khỏe của tôi đã hoàn toàn bình phục và có thể đi biển được rồi. Các anh biết đó, khi tôi được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bác sĩ ở đây nói rằng, nếu không có các anh cấp cứu kịp thời thì đôi chân tôi khó có thể hồi phục trở lại... Tôi không biết nói gì hơn để cảm ơn các anh!".
Chuyện là, tháng 11/2018, trong lúc đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, anh Chung bị bệnh giảm áp do lạnh gây biến chứng liệt 2 chân, rối loạn cơ vòng, được đưa vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn cấp cứu. Sau 10 ngày chữa trị, anh Chung được đưa vào bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tiếp tục điều trị. Trong thời gian ở đảo Sinh Tồn, từ việc điều trị, đến ăn uống, sinh hoạt anh Chung được các y, bác sĩ đảo Sinh Tồn quan tâm rất chu đáo mà không lấy một đồng tiền công, tiền thuốc nào.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn tuyền truyền cho ngư dân vào neo đậu tại âu tàu.
Hay mới đây, tàu QNg 96435 TS do ông Đinh Văn Lộc, trú tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi làm thuyền trưởng, đang đánh bắt hải sản ở vùng biển huyện đảo Trường Sa thì bị hỏng máy. Tàu thả trôi tự do trên biển. Nhận được thông tin, Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn đã lai dắt vào Âu tàu đảo Sinh Tồn để sửa chữa. Vào đây, ngoài miễn phí tiền công sửa chữa tàu; bảo đảm ăn uống, sinh hoạt cho các thuyền viên trong thời gian chờ sửa chữa tàu, Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn còn cấp miễn phí 1 nghìn lít nước ngọt, tặng cờ Tổ quốc và tủ thuốc y tế cho tàu...
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Lộc kể rằng, trước đây, trước khi ra khơi, anh phải chuẩn bị rất nhiều thứ cho những chuyến bám biển dài ngày. Thế nhưng, có những khi chưa gặp luồng cá đã hết nguyên liệu, nước ngọt, lương thực đành phải quay về; do đó, hiệu quả đánh bắt rất thấp. Từ khi Trung tâm này ra đời, bà con đánh bắt hải sản đã thực sự yên tâm, không lo thiếu nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt hay khi gặp các sự cố, tàu bị hư hỏng... Bởi ra đây, các tàu được cung cấp nước ngọt và nếu không may tàu bị hư hỏng thì được sửa chữa miễn phí; thay thế linh phụ kiện, mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm giá như trong đất liền.
Cán bộ làng chài đảo Núi Le thông báo tình hình cho các tàu đánh bắt hải sản trong khu vực qua hệ thống ICom.
Thiếu tá QNCN Trần Văn Bỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn (thuộc Hải đoàn 129, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân) cho hay: Kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 11/2016) đến nay, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn và 2 phân đội làng chài tại các đảo Núi Le, Tốc Tan đã tiếp nhận, hướng dẫn, giúp đỡ cho hơn 2.200 lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... vào neo đậu, tránh, trú bão an toàn; sửa chữa cho gần 40 tàu hỏng hóc; tiếp tế lương thực thực phẩm, nước ngọt, bổ sung nhiên liệu, khám chữa bệnh... để ngư dân yên tâm tiếp tục đánh bắt hải sản..
Được biết, hiện nay ở huyện đảo Trường Sa đã có 4 Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật nghề cá và 5 làng chài, phân đội làng chài do Hải đoàn 128, 129 (thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân) và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý. Ngoài việc giúp đỡ bà con ngư dân sửa chữa, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, cán bộ, chiến sĩ của các Trung tâm còn làm tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, về pháp luật đánh bắt thủy sản; kịp thời cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ, động viên bà con yên tâm bám biển.
Hoạt động của các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên quần đảo Trường Sa thật sự là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.