Những ngày qua, nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM tất bật căng bạt để che nắng cho hàng ngàn khối gỗ tại Vườn ươm Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP HCM). Đây là số gỗ thu hồi từ việc đốn hạ thay thế cây xanh mất an toàn, hư hại, sâu bệnh và từ việc giải tỏa cây xanh bị ngã đổ trên địa bàn TP HCM (gọi tắt là gỗ thu hồi).
Lo mối mọt, cháy nổ
Dưới tác động của thời tiết, nhiều khúc gỗ đã bị mối mọt, mục rỗng và lộ rõ phần hư hại. Gỗ được tập kết trên khu vực có diện tích khoảng 1 ha. Trước khi được phủ bạt để bảo quản, những khúc gỗ này đã có thời gian dài nằm phơi nắng, phơi mưa tại đây.
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM cho biết sau khi cây xanh được đốn hạ do mất an toàn, hư hại, sâu bệnh, ngã đổ sẽ được di dời về đây, đợi ngày thanh lý. Trong quá trình chờ được thanh lý, công ty được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (TTQLHTKT - thuộc Sở Xây dựng TP HCM) giao nhiệm vụ trông coi và phòng trừ mối mọt cho số gỗ thu hồi này.
Công ty đã cắt cử 5 nhân sự/ngày đêm để trông coi gỗ. "Ngoài việc xử lý mối mọt, chúng tôi cũng lo phòng chống cháy nổ, nhất là những đợt nắng nóng gay gắt, hanh khô như hiện nay. Xung quanh khu vực tập kết gỗ thu hồi có nghĩa trang, thỉnh thoảng người dân thường hay đốt cỏ, đốt rác để dọn dẹp nên có nguy cơ cháy lan vào khu tập kết gỗ" - đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM nói. Thời gian qua, TTQLHTKT cũng đã trang bị hệ thống camera giám sát và hệ thống phòng cháy chữa cháy để tăng cường các biện pháp bảo vệ gỗ.
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 7-2023, tại Vườn ươm Đông Thạnh tồn đọng 4.516,603 m3 gỗ thu hồi. Đến nay, TTQLHTKT đã tổ chức bán đấu giá thành công khối lượng 4.249,661 m3 gỗ. Số tiền bán được và nộp ngân sách nhà nước là hơn 5 tỉ đồng.
Trước đây, việc sử dụng, thanh lý gỗ thu hồi được bàn tán rất nhiều. Có giai đoạn TP HCM đề xuất sử dụng gỗ thu hồi để làm một số sản phẩm phục vụ cộng đồng. Một cán bộ từng phụ trách công tác này cho biết đã có nhiều sản phẩm phục vụ cộng đồng được ra đời từ gỗ thu hồi. Đó là một số bộ bàn ghế, nhà chòi tại các công viên Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám. Tuy nhiên, cán bộ này nói việc sử dụng gỗ thu hồi để tạo ra các sản phẩm phục vụ cộng đồng cũng rất hạn chế, bởi thủ tục nhiêu khê. Nếu không kiểm soát tốt sẽ "làm thất thoát tài sản nhà nước".
Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM đang phủ bạt che nắng cho gỗ thu hồi
Chưa có quy định
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc TTQLHTKT, cho biết đến nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc thanh lý gỗ thu hồi. Thời gian qua, TTQLHTKT thanh lý gỗ thu hồi bằng hình thức đấu giá nhằm bảo đảm hiệu quả trong việc thu, nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Văn Điệp, quá trình tổ chức công tác thanh lý đấu giá cũng gặp khó khăn, vướng mắc và dẫn đến việc tồn đọng gỗ thu hồi.
Trong quá trình triển khai thực hiện, một số gói đấu giá phải tổ chức đến lần thứ 4, thứ 5 nhưng vẫn không thành công. "Nguồn gỗ thu hồi thực hiện đấu giá là cây xanh trồng trên đường phố, khi được quyết định xử lý đốn hạ thay thế, giải tỏa thì đã có tình trạng hư hại, có nhiều dị vật trên thân như đinh, vít đóng vào thân cây. Cây trồng trong đô thị có nhiều chủng loại không mang giá trị về lâm sản, chất lượng gỗ kém" - ông Điệp phân tích.
Bên cạnh đó, kích thước lóng gỗ thu hồi giới hạn về chiều dài do điều kiện phải thi công và vận chuyển trong đô thị; gỗ được tập kết tại các bãi chứa ngoài trời do việc xây dựng kho chứa gỗ là không khả thi. Dịch COVID-19 kéo dài; công tác thanh lý, đấu giá gỗ thu hồi còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong tổ chức công tác thanh lý đấu giá gỗ thu hồi.
Ông Vũ Văn Điệp khẳng định việc thanh lý, đấu giá gỗ thu hồi được triển khai một cách công khai, minh bạch. Trường hợp đấu giá không thành công sẽ thực hiện lại từ bước thẩm định giá mà không được phép giảm giá khởi điểm như một số lĩnh vực khác trong đấu giá tài sản. "Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian trong quá trình thanh lý" - ông Điệp nói.
Theo ông Vũ Văn Điệp, trong thời gian tới, TTQLHTKT khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện đấu giá đối với khối lượng gỗ thu hồi còn lại. Thường xuyên tổ chức nhiều đợt đấu giá trong năm cho khối lượng thu hồi phát sinh mới. Đơn vị này cũng đã hoàn chỉnh việc xây dựng quy trình quản lý, đấu giá gỗ thu hồi trình các cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng việc để gỗ thu hồi tồn đọng lâu ngày dẫn đến mục nát, mất dần giá trị theo thời gian thì trách nhiệm thuộc về đơn vị giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng cây xanh. "Cơ quan quản lý cần phân loại gỗ thu hồi theo từng nhóm để đưa ra phương án thanh lý cho phù hợp. Loại gỗ nào nhanh mục thì cần ưu tiên thanh lý trước" - tiến sĩ Phạm Viết Thuận nói.
Cũng theo chuyên gia này, bản chất của cây xanh đô thị không phải trồng để khai thác lâm sản. Cần xác định gỗ thu hồi là nguồn gỗ tận dụng. Do đó, cơ quan quản lý khi thanh lý gỗ thu hồi không nhất thiết sử dụng phương thức đấu thầu mà nên chỉ định thầu bằng đơn giá. Có như vậy mới rút ngắn được thời gian, thủ tục thanh lý gỗ thu hồi. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần sớm ban hành các quy định về thanh lý đối với loại tài sản này.
Trong công tác thanh lý gỗ thu hồi, cán bộ nên mạnh dạn, chủ động thực hiện. Tránh vì sợ trách nhiệm mà để xảy ra tình trạng lãng phí tài sản công. Hiện nay, các quy định về bảo vệ cán bộ đã rất rõ, điển hình như Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị, Nghị định 73/2023/NĐ-CP" - tiến sĩ Phạm Viết Thuận nói.
Nguồn nld.com.vn
Link bài gốchttps://nld.com.vn/de-go-thu-hoi-khong-thanh-cui-muc-19624040821315407.htm