Nhân dân hai bản biên giới Ka Tăng và Densavan vui mừng gặp nhau
trong buổi lễ sơ kết 15 năm thực hiện “Kết nghĩa bản - bản”. (Ảnh: Viết Lam)
Cách đây 15 năm, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản”. Địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị gồm 17 xã, 1 thị trấn với 169 thôn bản và 2 tỉnh Salavan, Savannakhet, Lào có tất cả 9 cụm xã với 42 thôn bản. Trên tuyến biên giới này được đánh giá cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương có nhiều hoạt động nhằm từng bước củng cố, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân khu vực biên giới. Đặc biệt, ngày 28/4/2005, bản Ka Tăng (Quảng Trị, Việt Nam) và bản Densavan (Savannakhet, Lào) đã tổ chức kết nghĩa. Tiếp đó, mô hình này đã được nhân rộng ra khắp các cặp bản đối diện còn lại hai bên biên giới của tỉnh Quảng Trị, Salavan và Savannakhet. Đến nay, toàn bộ 24/24 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị và Salavan, Savannakhet đã tổ chức kết nghĩa.
Thông qua hoạt động kết nghĩa, ban quản lý các bản đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân nắm và chấp hành đúng Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới Việt Nam - Lào, các quy định của pháp luật của mỗi nước. Đồng thời, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới đã có điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhau về mọi mặt, từ đó góp phần thay đổi đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị anh em Việt - Lào ngày càng thêm khăng khít, bền chặt. Theo đồng chí Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy BĐBP Quảng Trị đánh giá: Việc tổ chức “Kết nghĩa bản - bản” hai bên biên giới là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự thống nhất cao của lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị, Savannakhet và Salavan, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Những kết quả của phong trào đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước, nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới, phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, đồng thời chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết được nhiều việc xảy ra trên biên giới.
Từ mô hình “Kết nghĩa bản - bản” của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các tỉnh nghiên cứu và triển khai thực hiện mô hình trên diện rộng. Đến nay, tính chung trong cả nước đã có gần 180 mô hình “Kết nghĩa bản - bản” đang được thực hiện có hiệu quả trên tuyến biến giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Tiêu biểu trong xây dựng mô hình có thể kể đến BĐBP các tỉnh như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên…
Theo nội dung ký kết, các thôn, bản tham gia mô hình luôn cùng nhau phối hợp tuyên truyền, vận động và giáo dục cho nhân dân xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước, hai địa phương và truyền thống tốt đẹp của các thân tộc, dòng họ vốn có từ lâu đời ở hai bên biên giới. Thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong dịp ngày lễ, tết, lúc ốm đau và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản giàu đẹp, cùng bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục thiên tai, phòng chống cháy rừng và dịch bệnh xảy ra đối với người, vật nuôi, cây trồng. Thường xuyên giao lưu, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc; giáo dục nhân dân hai bên biên giới chấp hành và thực hiện nghiêm các văn kiện pháp lý về biên giới đất liền, cùng nhau bảo vệ không làm hư hỏng mốc quốc giới, không làm thay đổi đường biên giới, dòng chảy sông, suối biên giới như quy định mà hai nước đã ký kết; không tham gia và không tiếp tay cho tội phạm ma túy, mua bán người... Thường xuyên trao đổi tình hình liên quan đến an ninh, an toàn, lợi ích của nhân dân hai thôn, bản, để cùng nhau phối hợp giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Theo đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP, việc kết nghĩa giữa hai thôn, bản là một hình ảnh đẹp thể hiện tình cảm gắn bó giữa nhân dân khu vực hai bên biên giới, là minh chứng cho việc phát triển của công tác đối ngoại nhân dân. Một trong những hiệu quả nổi bật nhất từ việc thực hiện mô hình “Kết nghĩa bản - bản” trên các tuyến biên giới đó là nhân dân hai bên biên giới sau khi kết nghĩa đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên. Tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của từng nước.
Giao lưu văn nghệ giữa cụm dân cư thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và Khu dân cư Trĩ Lãng, xã Trí Lãng, huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: QĐ
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, nhân dân hai bên tại các khu vực biên giới thường xuyên có mối quan hệ thăm thân đi lại lâu đời, các hoạt động, phong tục, tập quán, lao động, canh tác có nhiều điểm tương đồng. Các bản tham gia mô hình có chung đường biên giới và việc quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới trên địa bàn không có tranh chấp. Chính quyền địa phương và nhân dân hai bên đều có chung mong muốn tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị. Do đó, qua 15 năm triển khai, mô hình “Kết nghĩa bản - bản” đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ biên giới, lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới, góp phần tăng thêm tình đoàn kết của cư dân hai bên biên giới.
Để mô hình tiếp tục có sức lan tỏa trong thực tế, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tăng cường phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, như trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng, chống tội phạm, phối hợp tuần tra biên giới…, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo vệ bình yên vùng biên giới.
Có thể thấy, xuất phát từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, mô hình “Kết nghĩa bản - bản” đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về nền “Quốc phòng toàn dân” gắn với công tác đối ngoại nhân dân. Phát huy những kết quả đã đạt được, việc tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới trên các tuyến biên giới của cả nước sẽ là cơ sở quan trọng góp phần giữ vững ổn định khu vực biên giới, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống của nhân dân và xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng gắn bó, bền chặt./.