Nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác. Đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng. Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở ĐBSCL.
Biến đổi khí hậu tác động đến trồng trọt
Nhiệt độ đất là một trong những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng. Nhiệt độ đất đặc biệt có ý nghĩa đối với sự nảy mầm của hạt, sự phát triển của bộ rễ cây, ảnh hưởng đến hoạt động sống của vi sinh vật đất. Chỉ khi có một nhiệt lượng nhất định hạt giống mới có thể nảy mầm, rễ non mới phát dục được, mầm non mới có thể mọc lên khỏi mặt đất. Nhiệt độ đất ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát sinh, phát triển của rễ và các bộ phận dưới mặt đất. Trong khoảng nhiệt độ đất thích hợp thì nhiệt độ càng tăng, bộ rễ phát triển càng nhanh nhưng nếu nhiệt độ quá cao sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ. Nhiệt độ đất cao làm tăng khả năng hoà tan các chất dinh dưỡng trong đất, làm tăng hoạt tính của dung dịch đất giúp cho bộ rễ cây trồng hút được một cách thuận lợi hơn. Có thể thấy, sự gia tăng nhiệt độ theo các kịch bản BĐKH vẫn nằm trong phạm vi sinh trưởng và phát triển của cây trồng nên năng suất cây trồng trong các thời kỳ tương lai hầu hết đều tăng so với thời kỳ cơ sở. Tuy nhiên, năng suất cây trồng ở đây chưa xét đến các điều kiện thiên tai có thể xảy ra sẽ khiến cho năng suất cây trồng trong thực tế giảm đi rất nhiều.
Trong chăn nuôi, BĐKH, bão, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng bất thường, rét đậm, rét hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng sinh sản, sự sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm. Ngoài ra BĐKH cũng làm nguồn cung cấp thức ăn cho chăn nuôi bị suy giảm. Rét đậm, rét hại làm chết hàng loạt gia súc, gia cầm ở vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Nắng nóng bất thường làm giảm năng suất chăn nuôi; làm tăng chi phí thức ăn, chi phí năng lượng cho việc làm mát; làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm. Nước biển dâng và XNM làm cho diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp ảnh hưởng đến nguồn thức ăn cho chăn nuôi. BĐKH tác động đến chăn nuôi bao gồm những thay đổi trong sản xuất và chất lượng của thức ăn chăn nuôi và thức ăn gia súc, làm gia tăng dịch bệnh. Tác động của BĐKH với chăn nuôi lợn dự kiến sẽ giảm 1,1% tổng đàn lợn do BĐKH ở Việt Nam.
Biến đổi khí hậu tác động đến lâm nghiệp
Dưới tác động của BĐKH, sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến rừng và nghề rừng. Hàng triệu ha đất trống, đồi trọc đã mất rừng lâu năm, những đặc điểm cơ lý của đất như độ tơi xốp, độ liên kết, độ thấm, hàm lượng các chất dinh dưỡng và hàm lượng vi sinh bị giảm đi đáng kể, đất trở nên khô, cứng, bị nén chặt, không thích hợp cho trồng trọt. Đất mặt trở nên dễ bị xói mòn, rửa trôi, tích tụ sắt nhôm gây nên hiện tượng kết von và đá ong hóa, khả năng sản xuất nông lâm nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu đe dọa tới đa dạng sinh học rừng, làm tăng nguy cơ mất rừng, nguy cơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp và do đó làm tăng nguy cơ phát thải khí nhà kính. Nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng, tăng dịch bệnh và làm giảm khả năng chống chọi của rừng trước ảnh hưởng của BĐKH. BĐKH sẽ làm thay đổi tổ thành và cấu trúc của một số loại rừng, buộc các loài phải di cư và tìm cách thích ứng với điều kiện sống mới. BĐKH sẽ làm tăng nguy cơ tuyệt chủng một số loài động thực vật, gây khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Một số loài nếu không thích nghi được với môi trường sống mới thì mãi mãi sẽ biến mất khỏi hành tinh. Theo dự báo, năm 2070, các loài cây nhiệt đới vùng núi cao sẽ có thể sống được ở độ cao 100÷550 m và dịch lên phía bắc 100÷200 km. BĐKH sẽ làm thay đổi chế độ thủy, hải văn, sóng biển và nước biển dâng sẽ có tác động đáng kể đến thu hẹp diện tích của rừng ngập mặn. Thêm vào đó, diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp do một số loài cây rừng ngập mặn không kịp thích ứng với các thay đổi của điều kiện môi trường như độ ngập triều, độ mặn, nhiệt độ. Các tác động gián tiếp có thể gồm giảm đa dạng sinh học và sinh trưởng của rừng. Rừng ngập mặn có tính đặc thù, rất nhạy cảm với những tác động của BĐKH. Bão với cường độ mạnh, tần suất tăng cũng hủy hoại rừng ngập mặn. Sự suy thoái và suy giảm diện tích của rừng ngập mặn làm: Gia tăng nguy cơ xói lở bờ biển; giảm sinh kế của cộng đồng cư dân ven biển, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và du lịch sinh thái; giảm khả năng lưu giữ CO2 của rừng ngập mặn. Mực nước biển dâng sẽ làm gia tăng quá trình mặn hóa ở các vùng cửa sông và các vùng ven biển là nguy cơ lớn nhất đối với rừng tràm. Nước và đất nhiễm mặn quá giới hạn cho phép làm rừng tràm chết hoặc diện tích rừng tràm bị thu hẹp lại.
Biến đổi khí hậu tác động nuôi trồng thủy sản
Nhiệt độ tăng, nhiệt độ có ảnh hưởng lớn tới sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng thủy sản nuôi. Nhiệt độ có ảnh hưởng tới tốc độ trao đổi chất, nhịp độ sinh sản và phát triển của thủy sinh vật. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu số ngày nắng nóng trên 350C trong năm tăng một ngày sẽ làm cho sản lượng tôm nuôi năm sau giảm 0,4%, hai năm sau giảm 0,6% và ba năm sau tiếp tục giảm 0,4%.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khi lượng mưa tăng đột ngột làm độ mặn trong các ao nuôi nước lợ giảm xuống nhanh chóng, gây hiện tượng “sốc ngọt” cho tôm nuôi cũng như thay đổi độ pH trong ao nuôi hoặc nước mưa từ xung quanh thủy vực đổ xuống sẽ mang theo các chất gây ô nhiễm cho đối tượng nuôi, mặt khác mưa lớn sẽ gây ngập lụt, tràn bờ và cuốn trôi các loài thủy sản. Đối với khai thác thủy sản, khi lượng mưa của vùng ven biển tăng lên 100mm (0,1 m) thì sản lượng khai thác thủy sản hàng năm giảm trung bình từ 0,98% đến 2,2% và có thể giảm 1,5% sản lượng khai thác của năm sau. Thiệt hại về giá trị kinh tế hàng năm của lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản tại 10 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên-Huế) theo kịch bản thay đổi về lượng mưa (theo giá so sánh 2012, tỷ lệ chiết khấu 3%/năm) được dự báo ở mức lần lượt khoảng 3 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.
Bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tàn phá cơ sở hạ tầng vùng nuôi như sạt lở đê bao, kênh mương thủy lợi, lều, vật tư, thiết bị, hoặc gây thiệt hại lớn cho tàu thuyền khai thác thủy sản trên biển. Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, bão không chỉ ảnh hưởng tới sản lượng khai thác thủy sản trong một năm, mà có thể làm ảnh hưởng tới sản lượng của các năm sau: nếu số lượng cơn bão tăng lên 1 cơn sẽ làm sản lượng thủy sản khai thác giảm khoảng 1,6% trong cùng năm và giảm 2,2% trong năm sau. Thiệt hại về mặt kinh tế (giá trị) hàng năm của lĩnh vực khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản tại 10 tỉnh ven biển thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo kịch bản BĐKH đến năm 2050 (theo giá so sánh 2012, tỷ lệ chiết khấu 3%/năm) được dự báo lần lượt ở mức khoảng 115 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.
Nước biển dâng gây XNM các vùng ven biển, dẫn đến thay đổi độ mặn trong thủy vực nuôi và thủy vực nước cấp dẫn đến thay đổi môi trường sống của các loài nuôi thủy sản tại vùng nước lợ và vùng nước ngọt sát biển. Khi đó cơ cấu đối tượng nuôi sẽ phải thay đổi để thích ứng với sự thay đổi của độ mặn trong nguồn nước. Nước biển dâng kết hợp với nước dâng trong bão, thường gây hậu quả và thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng thủy sản ven biển, hư hỏng tàu thuyền khai thác, hư hỏng lồng bè nuôi thủy sản ven biển, sạt lở đường xá, vỡ đê bao vùng nuôi, tràn bờ gây thất thoát tôm cá nuôi, suy giảm chất lượng môi trường nước. Xâm nhập mặn làm diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt sẽ bị giảm đáng kể, chất lượng môi trường sinh thái bị ảnh hưởng.
Biến đổi khí hậu tác động đến trồng diêm nghiệp
Nước ta được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng để phát triển ngành sản xuất muối, với chiều dài bờ biển 3.260 km (không kể các đảo) kéo dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, cùng khí hậu nhiệt đới, nước biển nóng, có độ mặn cao (từ 3,2÷3,5%). Tổng trữ lượng muối của nước ta khoảng 120÷130 tỷ tấn muối,... Hiện nay, cả nước có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối nhưng diện tích sản xuất muối tập trung chính ở các tỉnh: Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa,... Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho diện tích và sản lượng muối của nước ta có sự biến động (tăng hoặc giảm) khá mạnh là do sản xuất muối ở Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết (khi thời tiết nắng nhiều thì được mùa, khi nắng ít thì mất mùa) nên năng suất muối qua các năm có sự tăng giảm mạnh. Theo dự báo, ngành muối Việt Nam sẽ là ngành kinh tế phải chịu tác động sớm nhất, trực tiếp nhất, nặng nề nhất khi nước biển dâng và hàng chục nghìn ha diện tích sản xuất muối sẽ có nguy cơ dần dần bị xóa sổ theo thời gian. Trong khi hội nhập kinh tế kèm theo đó những yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất, sự gia tăng về năng suất, giảm số lượng lao động thủ công,… cũng đang đặt ngành muối trước yêu cầu cần đổi mới sản xuất và đẩy mạnh phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trước tác động của BĐKH tới phát triển nông nghiệp, các địa phương trong cả nước đã chú trọng phát triển và đa dạng hóa sinh kế thông qua các hoạt động như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi phạm vi và quy mô sản xuất, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật công nghệ,… nhằm thích ứng với BĐKH. Khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng ngô, các cây hoa màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn, rõ nhất là ở ĐBSCL và ĐBSH. Nhiều mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng các-bon thấp tiêu biểu đã được thí điểm ở các địa phương trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam như: phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; nông nghiệp xanh ít phát thải; liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; làng thông minh với khí hậu; làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng; cộng đồng làng xã các-bon thấp; sản xuất tích hợp theo hướng sinh thái khép kín cho các làng nghề,… Kiến thức bản địa đã được vận dụng ở nhiều vùng, địa phương, đặc biệt ở miền núi phía Bắc, ĐBSH, ĐBSCL để duy trì và phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh BĐKH; canh tác nông nghiệp (lựa chọn giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, điều chỉnh lịch thời vụ, thu hoạch và bảo quản nông sản; trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển sinh kế (kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, trồng rừng với du lịch sinh thái). Một số mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng các-bon thấp tiêu biểu đã được thí điểm, khuyến khích nhân rộng như: Mô hình trồng, phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng, Mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ít phát thải,Mô hình tổng hợp, liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái, Mô hình làng thông minh với khí hậu/làng nông thôn thuận thiên, Mô hình cộng đồng làng xã các-bon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với BĐKH tại khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ,... Mô hình cảnh quan cà phê, quản lý cỏ dại bền vững ứng phó với BĐKH ở Tây Nguyên.
TRỌNG HIẾU
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4 năm 2025
Nguồn tainguyenvamoitruong.vn
Link bài gốchttps://tainguyenvamoitruong.vn/tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-den-cac-linh-vuc-trong-phat-trien-nong-nghiep-cid128214.html